Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:41 GMT+7

Tin hoạt động

Robot chế biến thủy sản

01/11/2017

Robot công nghiệp hiện được sử dụng tương đối ít trong ngành chế biến thủy sản. Nhưng những lợi ích triển vọng về giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng cá đang khiến ngày càng có nhiều người quan tâm tới việc sử dụng robot.

Theo CBC, robot chế biến cua đầu tiên trên thế giới đã bắt đầu làm việc từ đầu năm 2017 tại Newfoundland, Canada. Robot được đặt trong buồng nhựa, kích thước như một thùng hàng container, chúng nhận cua từ băng chuyền và nhanh chóng xẻ rời cua bằng các lưỡi cắt. Chân cua được thả xuống vật đựng ở bên dưới, tất cả được sắp xếp, phân loại và chuyển sang công đoạn tiếp theo. Một robot khác sẽ nhanh chóng tách phần thịt khỏi vỏ cua.

Bob Verge – Giám đốc Trung tâm Cải tiến Thủy sản Canada, nơi chế tạo ra robot cắt cua – cho biết:“Thay vì việc đưa ra thị trường cua chưa tách thịt khỏi vỏ, việc dùng robot tách riêng thịt sẽ giúp chúng tôi sẽ bán được giá cao hơn.”

Việc tách thịt bằng tay ngày trước được thực hiện ở Newfoundland, nhưng nhiều năm qua công việc đó đã chuyển sang Trung Quốc, nơi giá nhân công rẻ hơn. Việc đưa công đoạn này quay trở lại Newfoundland, sẽ tạo nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà máy chế biến và tận dụng nguồn tài nguyên hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các dây chuyền sản xuất tại Nauy cũng lần đầu tiên ứng dụng robot trong việc lọc xương và cắt phi-lê cá tuyết. Dây chuyền sử dụng thiết bị APRICOT trang bị công nghệ X-Quang để phát hiện các mẩu xương nhỏ trong thịt cá và lấy chúng ra bằng các súng phun nước áp suất lớn.

Người phát ngôn của Marel tại Iceland - nhà sản xuất thiết bị chế biến cá lớn nhất thế giới – cho biết: “Cá hồi nuôi - có kích thước và hình dáng tương tự nhau, phù hợp dùng thiết bị tự động để cắt phi-lê. Còn cá đánh bắt tự nhiên có kích cỡ đa dạng, nên chúng chủ yếu được chế biến bằng tay”.

Hệ thống robot APRICOT dự kiến sẽ sẵn sàng cho mục đích thương mại vào cuối năm 2017. Khi ngành công nghiệp thủy sản Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào các sản phẩm nuôi trồng như hiện nay, các nhà sản xuất đang tích cực thiết kế máy móc chế biến tự động để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Tại các dây chuyền tự động hoàn chỉnh, cá hồi nuôi được vào dây chuyền chế biến ở cùng một cổng và được chia ra thành các kiện hàng thành phẩm ở một cổng khác. Nordlaks - chủ dây chuyền chế biến – miêu tả hệ thống của Marel như là một dòng chảy liên tục của cá hồi thành phẩm, không hệ có sự can thiệp của bàn tay con người. Robot sẽ đặt trực tiếp những miếng cá vào máy đóng gói và cả hệ thống đã giúp giảm nhân công lao động khoảng 20%.

Các nhà sản xuất robot hy vọng thiết bị của họ sẽ giúp giải quyết các vấn đề về nhân lực trong các nhà máy thủy sản, do sự thay đổi về nhân khẩu học, thị trường toàn cầu và thiếu người lao động. Họ dự đoán rằng trong tương lai gần sẽ cần nhiều lao động có trình độ chuyên môn cao để làm việc trên các máy móc, vi tính phức tạp chứ không phải làm việc trực tiếp trên những con cá như trước nữa.

Bob Verge cho biết: “Nếu muốn thu hút được những người trẻ, chúng ta cần có những công việc tốt hơn, chứ không phải nhiều công việc hơn. Chúng tôi giới thiệu cho họ những công việc đòi hỏi kỹ năng cao cùng những công nghệ này và họ tỏ ra rất hào hứng.”

Robot cũng đang được ứng dụng trong các nhà máy đông lạnh lớn, nơi chứa lượng lớn hải sản của Alaska trước khi đưa ra thị trường. NewCold – một công ty Hà Lan – đã hợp tác với Trident Seafoods để xây dựng một trong những nhà kho hàng đông lạnh lớn nhất của quốc gia, ngoại ô Tacoma.

Các sản phẩm thủy sản sẽ được đặt trên một hệ thống robot bao gồm xe đẩy và đưa vào khu vực tối có nồng độ oxy thấp, sau đó được chuyển đến kho chứa bằng băng chuyền. Khi dự án trị giá 50 triệu USD này thành công, chúng sẽ có sức chứa trên 18 triệu m3.