Trong 383 công ty sản xuất khuôn mẫu tại Việt Nam, chỉ khoảng 30 doanh nghiệp có năng lực công nghệ ở mức cao, 83 doanh nghiệp ở mức trung bình và số còn lại ở mức thấp.
Đây là một trong những số liệu cho bản đồ công nghệ ngành sản xuất khuôn mẫu được Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và đội ngũ chuyên gia xây dựng. Từ các thông tin này, doanh nghiệp có thể nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường và thông tin về đối thủ cùng phân khúc để xây dựng lộ trình công nghệ cho riêng mình.
Bản đồ giúp “soi” trình độ doanh nghiệpTheo tiến sỹ (TS) Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, đối với doanh nghiệp, việc xây dựng lộ trình công nghệ là “biết người, biết ta”. Tức là dù hoạt động ở lĩnh vực nào, việc biết rõ mình đang ở đâu, đối thủ là những ai, mạnh - yếu thế nào sẽ giúp doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh hợp lý, từ đó xây dựng lộ trình công nghệ để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Công cụ cho hoạt động này chính là bản đồ công nghệ.
Cụ thể trong ngành cơ khí, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã xây dựng xong bản đồ cho lĩnh vực nhánh là sản xuất khuôn mẫu. Chỉ cần nhìn vào bản đồ, doanh nghiệp có thể biết rõ thông tin về năng lực công nghệ của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này của Việt Nam, nắm bắt được tình hình về thị trường trong sản xuất khuôn mẫu và các năng lực công nghệ của các đơn vị điển hình tại Việt Nam.
Bản đồ công nghệ cũng có thể biết được các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực này đang được sử dụng trên thế giới cũng như xu hướng phát triển trong tương lai. Trên cơ sở các dữ liệu đã được tổng hợp và phân tích, cục xây dựng lộ trình công nghệ cho doanh nghiệp và công nghệ cho ngành.
TS Dũng cho biết, sắp tới bản đồ công nghệ cho ngành cơ khí ôtô và nông nghiệp, vắcxin, tế bào gốc… cũng sẽ được xây dựng nhằm giúp doanh nghiệp trong nước cụ thể hóa các chiến lược kinh doanh. Với mỗi ngành khi đã có bản đồ công nghệ, doanh nghiệp sẽ có thể căn cứ mốc thời gian cụ thể để xây dựng lộ trình phát triển công nghệ, có thể định hướng trong 5 năm hay 10 năm tới cần đổi mới công nghệ ra sao.
“Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ cung cấp cho doanh nghiệp bức tranh tổng quan giữa liên hệ công nghệ và thị trường. Dựa vào đó, doanh nghiệp có thể xác định mình cần định hướng sản phẩm trong tương lai như thế nào, phải đổi mới công nghệ thế nào để có sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn mà thị trường doanh nghiệp đang hướng tới.
Tức là phải căn cứ vào tiêu chuẩn hàng hóa để đổi mới công nghệ nhằm sản xuất ra sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn. Ở đây, việc xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ không đơn thuần là đầu tư công nghệ mới mà còn liên quan tới vấn đề đổi mới kèm theo từ nhân lực. Vì vậy, phải có những bước đi bài bản và có thông tin rõ ràng” - TS Dũng nói.
Sẵn sàng hướng dẫn doanh nghiệpThực tế việc xây dựng lộ trình công nghệ đã được sử dụng rộng rãi để nghiên cứu và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp. Trong 15 năm qua, đã có hơn 2.000 lộ trình công nghệ từ quy mô ngành trở lên được xây dựng tại nhiều quốc gia. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gắt gao, các doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng lộ trình công nghệ. Theo TS Dũng, các doanh nghiệp đang rốt ráo chuẩn bị bởi nếu không hành động nhanh, việc thua trên sân nhà khó tránh khỏi.
“Cục sẽ cung cấp toàn bộ hệ thống phương pháp, đội ngũ chuyên gia đánh giá cũng như các thông tin liên quan đến thị trường sản phẩm để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình công nghệ cho mình” - ông Dũng cho biết.
Mới đây, Viện Thực phẩm chức năng đã được cục hỗ trợ xây dựng hệ thống bản đồ công nghệ về thực phẩm chức năng.
“TPHCM cũng đã thấy được lợi ích của việc xây dựng bản đồ công nghệ. Mới đây, họ đã đặt vấn đề phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ xây dựng các lĩnh vực chính, các sản phẩm chủ lực để áp dụng quản lý và xây dựng chiến lược đổi mới các công nghệ mà họ đang quan tâm. Các doanh nghiệp thuộc Khu công nghệ cao TPHCM cũng đề nghị cục phối hợp xây dựng lộ trình công nghệ” - ông Dũng chia sẻ.