Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 09/11/2024 | 02:04 GMT+7

Tin hoạt động

Chú trọng chuyển giao công nghệ mới

01/06/2017

Hà Giang là một trong những tỉnh miền núi kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ít, quy mô nhỏ, sản xuất chủ yếu theo lối thủ công. Vì vậy những năm qua, khuyến công Hà Giang đặc biệt ưu tiên hỗ trợ cho các cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất. Đã có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến bột dong riềng, miến dong, mộc dân dụng tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê, Mèo Vạc… được thụ hưởng chính sách này.

Theo ghi nhận chung, các đề án hỗ trợ đã phát huy tốt hiệu quả, khuyến khích cơ sở vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Góp phần duy trì và phát triển các ngành nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hậu - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang - số cơ sở đăng ký thụ hưởng từ chương trình khuyến công hàng năm chưa nhiều, nội dung chưa đa dạng. Cũng bởi quy mô nhỏ, năng lực tài chính và quản lý của cơ sở CNNT hạn chế nên chất lượng các đề án chưa cao. Việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ còn chậm đã ảnh hưởng tới việc đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương hàng năm.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời giúp công tác khuyến công ghi dấu mạnh mẽ trong sự phát triển CNNT của tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến công thương Hà Giang đang và sẽ tiếp tục bám sát các cơ sở, triển khai, bảo đảm hoàn thành đề án đúng tiến độ. Nghiên cứu thế mạnh của từng địa phương nhằm xây dựng các đề án trọng điểm, tạo điểm nhấn về hiệu quả hoạt động khuyến công đối với một ngành, một vùng. Nâng mức hỗ trợ nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức chuyển hướng đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Đặc biệt, UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình Khuyến công tỉnh Hà Giang đến năm 2020 với những lộ trình cụ thể cho từng năm, từng nội dung được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động khuyến công, tạo sự chuyển biến rõ rệt CNNT.

Theo đó đến năm 2020, chương trình dự kiến hỗ trợ khoảng 57 cơ sở đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến nông - lâm nghiệp và chăn nuôi, gồm các đề án: Ứng dụng máy móc trong chế biến chè, dược liệu, cam, thảo quả, mật ong, chế tác hàng thủ công mỹ nghệ… Hỗ trợ xây dựng 10 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới. Trong đó dự kiến hỗ trợ các mô hình sản xuất chế biến chè, thảo quả, dược liệu… Ngoài ra, chương trình cũng dự kiến hỗ trợ trên 294 cơ sở CNNT tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; lập quy hoạch chi tiết cho 1 cụm công nghiệp; hỗ trợ 23 cơ sở tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì…

Để chương trình triển khai hiệu quả, Hà Giang cũng xây dựng nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động nguồn kinh phí... Cụ thể, sẽ củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức cho công tác khuyến công từ cấp tỉnh tới huyện, xã; bố trí cán bộ chuyên trách khuyến công cấp huyện, khuyến công viên cấp xã nhằm tránh tình trạng thay đổi nhân lực, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai đề án cũng như khả năng bám sát cơ sở; bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ viên chức làm công tác khuyến công nhất là đào tạo, tập huấn; lồng ghép với các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phối hợp với các tổ chức, cá nhân nhằm huy động thêm nguồn lực cho khuyến công…

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Khuyến công tỉnh Hà Giang đến năm 2020 dự kiến trên 23,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ khoảng 3,8 tỷ đồng.