Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (thuộc Sở KHCN Thành phố) ngày 9/6/2017 tổ chức buổi hội thảo tổng kết Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VA). Đây là chương trình nằm trong Dự án Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn (CPEE) do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) triển khai.
Đại diện Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho biết ngay từ ban đầu đã có 30 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau đăng ký triển khai thí điểm. Từ đó, Ban quản lý đã chọn 7 doanh nghiệp (đã ký kết VA) là nhóm sử dụng năng lượng trọng điểm quốc gia, trong đó có 4 doanh nghiệp cam kết theo các giải pháp tiết kiệm năng lượng (như Chiếu sáng, Khí nén, Lò hơi) và 3 doanh nghiệp cam kết giảm suất tiêu hao, đồng thời tham gia thí điểm VA trong 2 năm qua.
Sau khi ký kết VA, các doanh nghiệp đều đã lập kế hoạch 1 năm và 5 năm, thực hiện kiểm toán năng lượng sơ bộ và chi tiết để xác định tiềm năng và tìm giải pháp tiết kiệm năng lượng theo hướng dẫn của đơn vị tư vấn. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp cũng nộp kế hoạch giám sát tiêu thụ năng lượng, mức phát thải CO2 cho Tổng cục Năng lượng để phục vụ công tác thống kê và tính toán hiệu quả.
Qua 2 năm áp dụng thí điểm VA, các doanh nghiệp hàng năm tiết kiệm được gần 1,27 triệu Kwh điện, 385,7 tấn dầu FO, 1.440 tấn than cám, 259.222 tấn củi, 1.727 tấn hơi. Kết quả này tương đương với lượng tiết kiệm 109.141.614 MJ, giảm phát thải 9.248 tấn CO
2.
Kết luận về chương trình VA thí điểm, đại diện Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM nhận định việc ký kết VA nên tập trung vào các doanh nghiệp lớn, sử dụng năng lượng nhiều và có tính đại diện cho ngành sản xuất. Bên cạnh đó, các bên cần chú trọng và đẩy mạnh thực hiện tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức để đảm bảo nhân sự liên quan đều hiểu chung vấn đề.
Về khả năng mở rộng sau thí điểm, đại diện Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM khẳng định chương trình VA phù hợp với Việt Nam với những mục tiêu về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp còn rất lớn, có nhiều doanh nghiệp đang quan tâm và mong muốn tham gia. Do đó, chương trình VA có thể chấp nhận những cam kết tham vọng và dài hơi hơn của những doanh nghiệp lớn, đồng thời cần linh hoạt trong xây dựng chính sách và cơ chế thực hiện trong quá trình đàm phán giữa các bên.
Đại diện Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM cũng mong muốn Chính phủ và lãnh đạo các Bộ quan tâm nhiều hơn đến chính sách tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp nói chung và giá trị của chương trình VA nói riêng, đảm bảo ổn định các nguồn lực thực hiện chương trình trong suốt 10 năm thực hiện và lấy ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp về những điều kiện tiên quyết mà họ mong muốn khi tham gia.