Hai năm trở lại đây, Công ty TNHH Quốc tế Troy (KCN Đông Xuyên, TP Vũng Tàu) đã khẳng định được thương hiệu của mình với sản phẩm gạch không nung tự khóa. Gạch được sản xuất bằng công nghệ nén, không nung nên không gây ô nhiễm môi trường. Việc thi công các công trình bằng gạch không nung tự khóa cũng rất đơn giản, không mất nhiều công sức. Sản phẩm được đánh giá là “xanh”, rất thân thiện với môi trường. Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Troy Ngô Thị Hồng Phượng cho biết: “Năm 2015, công ty được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ vốn để mua quyền kinh doanh và chuyển giao công nghệ chất ổn định đất RoadPacker và đầu tư thiết bị công nghệ mới để sản xuất gạch nén không nung, ứng dụng công nghệ khoá chặt trong xây dựng để thi công nhà. Chính nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, công ty đã mạnh dạn đầu tư một nhà máy sản xuất gạch không nung tự khóa tại Vũng Tàu, đến nay sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận tích cực, bởi hội đủ các yếu tố về môi trường và tiện dụng”.
Trong các cuộc triển lãm về ứng dụng công nghệ mới gần đây, sản phẩm gạch của Công ty TNHH quốc tế Troy đã thu hút sự quan tâm của rất đông doanh nghiệp trong ngành xây dựng và cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Tương tự như vậy, hai Công ty TNHH Thiên Phúc (huyện Đất Đỏ) và Công ty TNHH Đông Lâm (huyện Long Điền) rất phấn khởi khi được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng mỗi công ty để đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Đại diện công ty Đông Lâm chia sẻ: “Nguồn vốn hỗ trợ của địa phương đã giúp chúng tôi mạnh dạn đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 70 m3/ngày, đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất của công ty, đồng thời bảo đảm được hầu hết các chỉ số xả thải về môi trường”.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Mai Thanh Quang cho biết: Nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp này nằm trong Chương trình “Khoa học-công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa”. Chương trình có rất nhiều nội dung như: hỗ trợ đào tạo, tập huấn; hỗ trợ xây dựng, áp dụng và duy trì các hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng; hỗ trợ chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, xây dựng tiêu chuẩn; hỗ trợ lập hồ sơ cấp nhãn “Bông sen xanh” và lô-gô chương trình “Những địa chỉ tin cậy của du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ xây dựng website, phần mềm, tiết kiệm năng lượng, cải tiến công nghệ, thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý nước thải… Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, chương trình đã giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, “công nghệ xanh” vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tham gia và được hỗ trợ với kinh phí hàng trăm triệu đồng mỗi doanh nghiệp.
Cùng với chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Quỹ Phát triển khoa học-công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau một năm đi vào hoạt động, cũng đã giúp nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp “công nghệ xanh” vào sản xuất. Quỹ có vốn điều lệ 50 tỷ đồng do ngân sách tỉnh cấp.
Giám đốc Quỹ phát triển khoa học-công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Kim Trường cho biết, các doanh nghiệp sẽ được tài trợ kinh phí để nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, “công nghệ xanh”, thân thiện môi trường vào hoạt động sản xuất. Qua đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học-công nghệ, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện, quỹ đang phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ triển khai nhiều dự án có tính ứng dụng cao, thân thiện, như dự án “Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống các trạm năng lượng mặt trời tại các trạm kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo” (kinh phí đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng); Dự án “Xây dựng mô hình thí điểm ngã tư thông minh” (kinh phí đầu tư khoảng 680 triệu đồng),...
Thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ không chỉ làm hạn chế hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến các mục tiêu tăng trưởng của địa phương. Điển hình như tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Rạng, sông Chà Và (TP Vũng Tàu) thời gian qua khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn rơi vào cảnh điêu đứng. Đã có thời điểm, các hộ nuôi trồng thủy sản phải chở cá chết tới cổng của các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản để gây áp lực, yêu cầu nhà máy dừng hoạt động.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tình trạng cá chết hàng loạt thời gian qua có một phần nguyên nhân chính là sự xả thải chưa qua xử lý của gần hai mươi doanh nghiệp chế biến thủy hải sản quanh khu vực. Đây hầu hết là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn thiện. Để hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản cũng như bảo vệ môi trường khu vực này, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp dừng hoạt động.
Với việc xây dựng các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp cận các ứng dụng kỹ thuật tiến bộ trên thế giới, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang thể hiện quyết tâm ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, có nhiều hàm lượng “công nghệ xanh”, đồng thời cương quyết đóng cửa các doanh nghiệp, nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu, không bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.