Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:27 GMT+7

Tin hoạt động

Bộ Công Thương: Hướng tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả

05/05/2017

Chính vì vậy, việc khai thác hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên là nội dung chính được bàn thảo tại "Diễn đàn năng lượng: Hiện tại và tương lai" do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội, sáng 4/5.

Cung đang phải đuổi cầu


Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã được phê duyệt thì nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2030 bình quân khoảng 9-10%/năm, gấp 1,5 lần tăng trưởng GDP.

Trước tốc độ tăng trưởng điện nhanh chóng, ngoài việc phát triển các nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo và nhiệt điện khí thì nhiệt điện than đang là nguồn huy động quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Dự báo tới năm 2020, tổng công suất của nhiệt điện than sẽ lên tới 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất và tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than.

Tuy vậy, nguồn than nội địa cho phát điện cung cấp từ nguồn trong nước sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu của các hộ sản xuất và dự tính năm 2017, cả nước sẽ nhập khoảng 4,5 triệu tấn than sau đó nâng lên 24 triệu tấn vào năm 2020.

Đánh giá về hiệu quả sử dụng năng lượng, theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, việc tiêu thụ năng lượng đang mất cân đối, đáng chú ý là hiệu quả kinh tế của nhiều ngành còn chưa tương xứng với việc sử dụng năng lượng do vậy chưa tạo ra nhiều giá trị giá tăng cho sản phẩm.

Mặt khác, việc giá điện thấp, chưa theo cơ chế thị trường đã dẫn tới việc tiêu dùng lãng phí, không đảm bảo yếu tố phát triển bền vững khi khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và từ đó cũng làm giảm đầu tư cho các nguồn điện mới.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 lan rộng, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cần tính toán để đón đầu xu hướng công nghệ mới, ứng dụng và sử dụng các thành tự khoa học công nghệ nhằm giảm bớt việc phụ thuộc và tiêu hao nhiều năng lượng.

Quan trọng hơn, trong chiến lược phát triển điện và than, Bộ Công Thương cần đặt phương hướng phát triển năng lượng trong tổng thể về phát triển công nghệ, chiến lược cần cân bằng với thị trường cả cung và cầu.

Cần kiểm soát chặt công nghệ


Trong 15 năm trở lại đây, mức tăng trưởng điện năng thương mại đã liên tục tăng cao và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Nhu cầu điện năng cũng tăng nhanh với mức 13% giai đoạn 2006 - 2010 và 11% trong 5 năm gần đây.

Dự kiến, ít nhất trong 10 năm tới, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng trên dưới 10%. Cụ thể, năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ năng lượng toàn quốc vào khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội với sản lượng cụ thể là đến năm 2020, nhu cầu năng lượng sẽ vào khoảng 100 - 110 triệu TOE và 310 - 320 triệu TOE vào năm 2030.

Thực tế hiện nay, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than vẫn là nguồn huy động lớn và quan trọng. Tuy vậy, những thách thức trong việc bảo vệ môi trường cũng là những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng và vận hành các nhà máy này.

Nói về việc này, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn như nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ và nặng nề hơn. Điều này một mặt gây áp lực cho việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, mặt khác tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng.

Ông Vượng chia sẻ, để đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế và đời sống, trong bối cảnh các nguồn điện năng từ thủy điện đã khai thác hết, điện hạt nhân đã dừng đầu tư, trong khi năng lượng tái tạo dù có tiềm năng nhưng mới chỉ khai một phần nhỏ, nguồn khí dần suy giảm thì nhiệt điện than vẫn là nguồn điện quan trọng cho đất nước trong những năm sắp tới.

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, với bối cảnh của nước ta, vấn đề không phải là có phát triển nhiệt điện than hay không mà làm sao phát triển nhiệt điện than vừa nhằm đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, vừa không hủy hoại môi trường.

Với 20 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động với công suất lắp đặt khoảng 13.110 MW ông Vượng nhấn mạnh, Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế chính sách theo đó hướng tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và sử dụng công nghệ thân thiện môi trường.

"Trong tổng sơ đồ phát triển năng lượng Việt Nam từ nay tới năm 2030 thì mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong khi vẫn bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước," Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói.

Trước thực trạng đó, ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, theo đó trong chiến lược phát triển năng lượng cảu Việt Nam cần đa dạng hóa các nguồn năng lượng thay thế đồng thời tiến thẳng vào công nghệ hiện đại và khuyến khích sử dụng công nghệ mới nhằm bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, khi hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý cần quan tâm đúng mức đến các nguồn năng lượng tái tạo gắn với tỷ lệ nội địa hóa, hình thành và phát triển thị trường năng lượng, thiết lập an ninh năng lượng quốc gia trong điều kiện mở./.