Hiệu quả tích cựcNăm 2016, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại và Tư vấn công nghiệp tỉnh Kon Tum đã triển khai và hoàn thành 12 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng. Các đề án tập trung vào nội dung: Hỗ trợ đổi mới và ứng dụng công nghệ vào sản xuất; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu; nâng cao năng lực và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công; hỗ trợ tuyên truyền thông tin ngành Công Thương.
Tiêu biểu, trung tâm đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho Công ty TNHH Thịnh Hành (huyện Ngọc Hồi) xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung với công suất 120.000 viên/năm. Nhà máy sử dụng dây chuyền sản xuất bán tự động, nguyên liệu được tận dụng từ các sản phẩm phụ trong quá trình khai thác chế biến đá kết hợp với xi măng, cát… tạo sản phẩm đa dạng kích cỡ, giá thành không cao nên được ưa chuộng trên thị trường. Đây là một trong những đề án phát triển gạch không nung được khuyến công Kon Tum thực hiện trong những năm qua. Trước đó, trung tâm cũng đã hỗ trợ kinh phí cho Công ty CP Tân Hưng-Đăk Hà đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung, công suất 4,5 triệu viên/năm và dây chuyền sản xuất gạch không nung lát vỉa hè, công suất 375.000 viên/năm; hỗ trợ hợp tác xã Vạn Thành đầu tư dây chuyền sản xuất công suất 4,5 triệu viên/năm. Hiện các đề án đã đi vào hoạt động, tạo sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vận dụng các nguồn lựcNăm 2016 cũng là năm đầu tiên trung tâm được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại địa phương. Trung tâm đã hoàn thành 19 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, trong đó 3 phiên chợ về huyện biên giới. Theo đại diện Sở Công Thương Kon Tum, năm 2017, trung tâm tiếp tục được giao 660 triệu đồng cho thực hiện 5 đề án xúc tiến thương mại quốc gia và 2,912 tỷ đồng cho khuyến công quốc gia và địa phương.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Kon Tum, các đề án khuyến công hoàn thành trong năm 2016 đã giúp cơ sở CNNT cải thiện đáng kể năng lực sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Đặc biệt, 3 đề án khuyến công quốc gia đã tạo thành mô hình điểm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực. |
Trung tâm sẽ kết hợp các nguồn lực đó, phối hợp triển khai các đề án thuộc cả 2 chương trình nhằm phát huy tốt hiệu quả. Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể: Sắp xếp nhân sự các phòng ban chuyên môn trực thuộc nhằm đảm bảo về số lượng, chất lượng phù hợp với trình độ chuyên môn để triển khai hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại một cách hiệu quả; quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí, hỗ trợ có chọn lọc cho cơ sở trực tiếp tạo ra sản phẩm công nghiệp – dịch vụ và giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền chính sách khuyến công, qua đó khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở tham gia và thụ hưởng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm thẩm tra cơ sở các đề án khuyến công sát với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với doanh nghiệp thuộc diện thụ hưởng.
Để tạo thuận lợi cho công tác khuyến công triển khai và đạt hiệu quả tốt, Sở Công Thương Kon Tum đề nghị: Bộ Công Thương có cơ chế hỗ trợ đặc biệt đối với một số ngành nghề sản xuất thuộc huyện nghèo của tỉnh; thành lập trung tâm phát triển cụm công nghiệp gắn với bố trí biên chế; hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia cho xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp, tạo thêm mặt bằng cho các cơ sở CNNT.