Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 13/11/2024 | 02:47 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến công năm 2017: Hướng tới hỗ trợ theo chiều sâu

07/02/2017

Tác động tích cực

Theo số liệu từ Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP), năm 2016 tổng kinh phí khuyến công theo kế hoạch được duyệt của các tỉnh, thành phố trên cả nước đạt trên 230 tỷ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia trên 103 tỷ đồng. Một số địa phương có nguồn kinh phí cao như: Hà Nội 20,2 tỷ đồng, Ninh Bình 4,8 tỷ đồng, Lào Cai 3,7 tỷ đồng, Phú Thọ 7,1 tỷ đồng, Quảng Nam 6,1 tỷ đồng, Lâm Đồng 3,6 tỷ đồng, Quảng Ngãi 2,9 tỷ đồng, Đồng Tháp 6,5 tỷ đồng, Bình Thuận 3,8 tỷ đồng. Nhiều tỉnh, thành phố đã hoàn thành kế hoạch kinh phí được giao và đạt hiệu suất rất cao trong triển khai các đề án.

Tiêu biểu như ở Quảng Ninh, năm 2016 tỉnh được giao 1,22 tỷ đồng kinh phí khuyến công quốc gia cho triển khai 4 đề án. Hiện các đề án đã hoàn thành, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Theo đánh giá chung, kinh phí khuyến công quốc gia đã phát huy tốt vai trò vốn mồi, khuyến khích cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Chương trình cũng dần thu hút sự quan tâm của các đối tượng thụ hưởng, nhất là với cơ sở có quy mô nhỏ lẻ ở những vùng kinh tế còn khó khăn của tỉnh.

Đánh giá về tác động của chương trình khuyến công trong năm vừa qua, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục CNĐP (Bộ Công Thương) cho biết: Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT xác định đúng hướng đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường; giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và dần từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Các đề án triển khai thực hiện phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển và lợi thế của từng địa phương. Việc tổ chức thực hiện, sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích và đạt hiệu quả cao đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đặc biệt, năm 2016, Cục CNĐP đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Nói về sự kiện này, ông Ngô Quang Trung nhấn mạnh: Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú” là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện, gồm: Lễ phong tặng “Bảng vàng Gia tộc nghề truyền thống Việt Nam” và “Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016”. Đây cũng là một trong những đề án khuyến công quốc gia năm 2016 được các đơn vị tổ chức rất thành công.

Các nghệ nhân được vinh danh là những tấm gương tiêu biểu trong số rất nhiều các nghệ nhân, thợ giỏi không ngừng sáng tạo, gìn giữ tinh hoa nghề. Với những kỹ năng điêu luyện và niềm đam mê, các nghệ nhân đã sáng tạo, chế tác ra các sản phẩm, tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao. Sản phẩm của các nghệ nhân không chỉ ngày càng khẳng định chỗ đứng tại thị trường trong nước mà còn được khách hàng ở nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam.

Nhằm tiếp tục khuyến khích, động viên nghệ nhân phát huy tay nghề, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung hướng hoạt động khuyến công và các chính sách ưu đãi đầu tư khác hỗ trợ sáng tạo mẫu mã, đầu tư mở rộng sản xuất. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề nâng cao năng lực quản lý, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm


Năm 2016 qua đi, chương trình khuyến công cũng ghi dấu với nhiều điểm nhấn, tuy nhiên, theo phản ánh của địa phương vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án.

Nói về khó khăn cụ thể, ông Lê Trọng Hân - Phó giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa - cho hay: Mỗi năm khuyến công Thanh Hóa được bố trí từ 5 - 7 tỷ đồng cho công tác khuyến công, bao gồm cả khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương nhưng với một tỉnh có diện tích rộng, dân cư đông thì việc chia nguồn lực này theo các đầu cơ sở là rất thấp. Cũng do diện tích rộng, cán bộ khuyến công gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình tư vấn, xây dựng đề án khuyến công. Chưa kể mỗi cán bộ phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng cấp huyện phụ trách 3 - 4 lĩnh vực, vì vậy thời gian cho triển khai hoạt động khuyến công không được chú trọng đúng mức.

Ông Đỗ Hồng Phương - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Phú Thọ - chia sẻ: Năm 2016, khuyến công Phú Thọ đã phải ngừng triển khai thực hiện 2 đề án khuyến công quốc gia. Nguyên nhân, do đối tượng thụ hưởng không bố trí đủ kinh phí để đầu tư xây dựng, thiết bị sản xuất không đảm bảo được tính mới theo quy định.

Đặc biệt, tại một số địa phương khu vực trung du miền núi phía Bắc như: Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn… ảnh hưởng từ cơn bão số 2, lũ quét cuốn trôi, vùi lấp nhà xưởng đã đầu tư khiến nhiều đối tượng thụ hưởng không thể tiếp tục thực hiện và nghiệm thu đề án.

Để khắc phục những khó khăn trên, đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình khuyến công, lãnh đạo Cục CNĐP cho rằng: Trên cơ sở các ngành nghề được hưởng hỗ trợ quy định tại Nghị định số 45/NĐ-CP về khuyến công, các địa phương xây dựng đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo bước chuyển rõ rệt cho sự phát triển. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố và liên kết giữa các khu vực để trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động khuyến công nhằm phát huy thế mạnh của mỗi địa phương và khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của cả vùng.

UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương; bổ sung thêm biên chế; đầu tư cơ sở vật chất nâng cao năng lực cho các Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cấp tỉnh…nhằm thực hiện tốt hơn nữa hoạt động khuyến công trên địa bàn.

Ngày 6/12/2016, Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 791.01/TC.I về việc giao nhiệm vụ và phân bổ kinh phí năm 2017, trong đó Chương trình công quốc gia năm 2017 được phân bổ 110 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Cục CNĐP đã tổ chức thẩm định, tổng hợp kế hoạch của các địa phương, đơn vị trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.