Theo một báo cáo gần đây, cả nước
trung bình tiêu thụ mỗi năm hơn 20 tỷ viên gạch cho các công trình xây
dựng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lượng đất sét, diện tích đất
nông nghiệp cũng như các nhiên liệu phụ trợ như than, củi, điện… và đặc
biệt là mối nguy hại tới môi trường. Với mức tiêu thụ này, tính ra hàng
năm nước ta sẽ tiêu tốn khoảng 600 triệu m3 đất sét tương đương với 30
nghìn ha đất canh tác. Dự kiến tới năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 42
tỷ viên gạch để phục vụ cho nhu cầu xây dựng.
Do đó, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần phải tiến tới
sản xuất sạch, tức là hướng từ vật liệu nung sang vật liệu không nung.
Trong đó gạch xi măng cốt liệu là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp
hướng tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mỗi năm doanh nghiệp sản xuất gạch
không nung sẽ giúp giảm khoảng 30 ngàn tấn C02 thải ra môi trường.
Ngoài việc bảo vệ được tài nguyên môi trường còn có lợi ích cao, tận
dụng được tài nguyên sẵn có mà không phải phụ thuộc vào giá than.
Với nhiều ưu điểm như cách âm, cách nhiệt tốt hơn và cường độ chịu lực
nén cao. Hiện nay các chủ đầu tư công trình thường lựa chọn gạch xi
măng cốt liệu thay cho gạch nung truyền thống vì các tính năng của
chúng. Ngoài đảm bảo chất lượng, đảm bảo môi trường, loại gạch này
thường có sẵn quy chuẩn riêng nên thuận lợi hơn trong việc thi công.
Ông Đặng Việt Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty gạch Khang Minh, một doanh
nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp gạch xi măng cốt liệu cho biết: “Mỗi
năm nhà máy sản xuất hơn 155 triệu viên gạch để cung cấp cho thị
trường. Ngoài việc kinh doanh vì lợi nhuận ra thì khi sản xuất loại
gạch này doanh nghiệp chúng tôi cũng phải nghĩ tới yếu tố môi trường.”
Cũng theo ông Lê, xét về giá cả, gạch xi măng cốt liệu rẻ hơn gạch
truyền thống khoảng 20% và đặc biệt dây chuyền sản xuất không khói bụi,
không chất thải và giúp bảo vệ tài nguyên đất. Trên thế giới việc sử
dụng vật liệu xây dựng không nung đã được thực hiện từ cách đây hàng
chục năm.
Trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, xi măng cũng là một trong
những ngành quan trọng và được hình thành sớm ở nước ta. Hiện nay cả
nước có khoảng 90 đơn vị sản xuất trong cả nước, tập trung chủ yếu ở
miền Bắc nơi có nguồn nhiên liệu đầu vào lớn. Tuy nhiên trình độ công
nghệ lạc hậu do thừa hưởng dây chuyền sản xuất cũ từ những nhiều năm
trước, sản xuất bằng công nghệ lò đứng, năng suất không cao, gây tác
động xấu tới môi trường, ô nhiêm không khí, chất thải rắn, bụi. Ngành
xi măng cũng sử dụng nhiều năng lượng như than, đá vôi khi nung trong
lò sinh ra nhiều CO2 do đó đòi hỏi phải có hướng tiếp cận sạch hơn
trong sản xuất để hạn chế ô nhiễm.
Chính sách lâu dài hướng tới tăng trưởng xanh
Đứng trước những thách thức này, ngày 28/04/2010 Chính phủ đã có Quyết
định 567/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng tới
năm 2020 với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không
nung thay thế cho gạch đất sét nung. Theo đó mục tiêu cụ thể là phải
phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch
đất sét nung đạt tỷ lệ: 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020. Hàng
năm sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt
điện, xỉ lò cao…) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm được
khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế
thải và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung
bằng lò thủ công
Theo định hướng phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung
đến năm 2020, từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở
lên) sẽ sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối
lượng thể tích không lớn hơn 1000 kg/m3) trong tổng số vật liệu xây;
Khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung
khác có độ rỗng lớn hơn 30% và vật liệu xây không nung loại nhẹ.
Theo ông Lương Đức Long Viện trưởng viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây
dựng Việt Nam cần có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các
doanh nghiệp sản xuất gạch không nung đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa
học kĩ thuật trong quá trình sản xuất để cho ra đời những sản phẩm phù
hợp với giá cả phải chăng. Đồng thời cần tuyên truyền phổ biến tới
người tiêu dùng về chất lượng của vật liệu xây dựng không nung không
kém mà thậm chí còn có tính ưu viêt hơn vật liệu xây dựng nung.
Cùng với xu hướng thế giới, xu hướng phát triển công nghệ xanh tại Việt
Nam đang tạo ra những thử thách mới cho sự cân bằng giữa môi trừơng và
nhu cầu phát triển. Đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng ngày càng cần
những sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường. Đứng trước thử
thách này, Việt Nam cần phải thật sự hiểu rõ giá trị của công nghệ xanh
và có một cái nhìn hướng tới môi trường một cách đầy đủ hơn. Để làm
được điều đó, bên cạnh việc tạo môi trường cạnh tranh công bằng, hành
lang pháp lý, các doanh nghiệp trong ngành chế tạo vật liệu xây dựng
cũng cần phải đầu tư nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại, công
nghệ sạch trong quá trình hoạt động./.