Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 03:35 GMT+7

Tin hoạt động

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng gió

01/12/2016

Tham dự hội thảo là các chuyên gia hàng đầu của quốc tế về năng lượng gió, đại diện các bộ ngành của Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á và cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Đức GIZ.

Trong bối cảnh tăng trưởng xanh và năng lượng tái tạo ngày càng được quan tâm ở Việt Nam, hội thảo đã giới thiệu với các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng gió những giải pháp tài chính, chính sách và kỹ thuật tiên tiến được đúc rút từ những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của Đan Mạch và Việt Nam trong lĩnh vực điện gió.

Trong nhiều thập kỷ qua, Đan Mạch đã duy trì được đà tăng trưởng kinh tế mà không tăng tiêu thụ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, cắt giảm được lượng phát thải khí CO2, qua đó trở thành quốc gia điển hình kết hợp song song giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội trên nền tảng một nền kinh tế xanh.

Đan Mạch cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới theo đuổi chiến lược xây dựng hệ thống năng lượng không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Cách đây hơn 30 năm, đây là quốc gia đầu tiên lắp đặt và đưa vào hoạt động các tua bin gió và vẫn đi đầu trong ngành năng lượng gió trong nhiều thập kỷ qua.

Tại hội thảo, các tham luận của các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam là quốc gia có trữ lượng gió lớn, thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đông Nam Á với đường bờ biển dài hơn 3.200 km. Diện tích có tốc độ gió đạt trên 6m/giây là 2.681 km2, tiềm năng ước tính 24 GW.

Bên cạnh đó, với một nền kinh tế năng động và tăng trưởng liên tục, nhu cầu điện của Việt Nam hiện nay tăng trưởng nhanh với tốc độ vào khoảng 10% mỗi năm. Điện gió không đòi hỏi nhiều thời gian lắp đặt và xây dựng. Với khả năng nhanh chóng thi công và đưa vào khai thác, điện gió có thể giúp Việt Nam bắt kịp tốc độ tăng trưởng nhanh nhu cầu điện lực trong cả ngắn và dài hạn.

Gió cũng là nguồn năng lượng giúp Việt Nam bảo đảm tốt hơn vấn đề an ninh năng lượng thông qua việc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu và những biến động trên thị trường than đá và khí.

Ngoài ra, điện gió có thể giúp loại bỏ một số thách thức mà thủy điện gặp phải liên quan đến hiện tượng thay đổi khí hậu theo mùa. Điện gió không bị chi phối bởi các yếu tố đầu vào như nguồn nước hay hiện tượng hạn hán và giúp cân bằng sản xuất điện phục vụ tăng trưởng công nghiệp và giúp bảo tồn nguồn nước phục vụ các nhu cầu nông nghiệp.

Đặc biệt là gió tạo ra nguồn điện tái tạo và không phát thải khí các-bon, qua đó giúp Việt Nam bảo đảm và duy trì tương lai tăng trưởng bền vững và thực hiện những cam kết đã đưa ra khi thông qua Hiệp định Paris - văn bản có hiệu lực trên toàn cầu kể từ ngày 31-10-2016.

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng gió như vậy nhưng cho tới nay Việt Nam mới có 3 dự án điện gió được đưa vào khai thác với tổng công suất khoảng 153 MW. Các nguyên nhân chủ yếu do suất đầu tư dự án điện gió cao so với nguồn điện truyền thống, giá mua điện gió chưa bảo đảm lợi ích của các nhà đầu tư, nguồn cung cấp linh kiện, thiết bị và dịch vụ trong nước còn hạn chế, nguồn nhân lực kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, thị trường vốn còn hạn chế.

Đứng trước những thực tế này, Việt Nam cần tiếp tục hoàn chỉnh các khung chính sách pháp lý, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của bộ máy tổ chức và phương thức quản lý trong lĩnh vực điện gió. Tổ chức nghiên cứu, sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển, giá bán điện gió ở các mức khác nhau cho các dự án trong đất liền và trên biển để thống nhất áp dụng cho các dự án điện gió trên phạm vi cả nước theo hướng tăng giá mua điện gió.