Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:00 GMT+7

Tin hoạt động

Thuận lợi và thách thức trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

02/11/2016

Thuận lợi 

Chính sách phát triển quốc gia Việt Nam đang thể hiện cam kết mạnh mẽ và nỗ lực thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh thông qua việc ban hành kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Việt Nam nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng quốc tế thông qua các tổ chức phát triển như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Chương trình phát triển Liên hợp Quốc (UNDP), Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID)… Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo gồm: Sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp có sản lượng tương đương 10 triệu tấn dầu/năm. Tiềm năng khí sinh học xấp xỉ 10 tỉ m3 năm từ rác, phân động vật và chất thải nông nghiệp.

Tiềm năng kỹ thuật của thuỷ điện nhỏ (<30MW) hơn 4.000MW. Nguồn năng lượng mặt trời phong phú với bức xạ nắng trung bình là 5kWh/m2/ngày phân bổ trên khắp đất nước. Vị trí địa lý của Việt Nam với hơn 3.400km đường bờ biển cũng giúp Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió với tiềm năng ước tính khoảng 500-1000 kWh/m2 /năm (Tường Tú, 2015). 

Thách thức và giải pháp

Có không ít thách thức đang đặt ra cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gồm khó khăn về tài chính, nhân lực và trình độ công nghệ.

Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khai thác thô, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và năng lượng hóa thạch cho phát triển kinh tế và tiêu dùng. Muốn phát triển năng lượng tái tạo thì Chính phủ phải có những cơ chế chính sách hấp dẫn các nhà đầu tư, đảm bảo giá mua ổn định cho năng lượng tái tạo. Trình độ công nghệ trong nhiều lĩnh vực vẫn ở mức thấp đặt ra các thách thức trong việc đầu tư đổi mới công nghệ. Ngoài ra, nguồn quỹ cho tăng trưởng xanh còn rất thấp. 

Trước tình hình này, đã có một số giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng xanh được đề xuất, gồm: xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng các công nghệ mới; thúc đẩy mô hình hợp tác công tư; phân cấp nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh cấp trung ương và địa phương; đa dạng hóa các hình thức thu hút, huy động tài chính cho tăng trưởng xanh; tăng tỷ trọng đầu tư cho các ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển nguồn năng lượng tái tạo…

Để có thể triển khai các giải pháp trên, đòi hỏi nhận thức và sự đồng thuận của các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân. Có như vậy, Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam mới đạt được những thành tựu nhất định trong tương lai.

Văn phòng CPSI