Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:36 GMT+7

Tin hoạt động

Dự án LCEE: Giải pháp tiết kiệm năng lượng tại địa phương

21/04/2015

Ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và TKNL - Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, hoạt động TKNL đã được các địa phương triển khai mạnh mẽ và thu được nhiều thành công. Hầu hết các địa phương trên cả nước đều có bộ phận chuyên trách về TKNL. Những đơn vị này ngoài việc thực hiện nhiệm vụ do Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn góp phần tích cực đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các đơn vị này cũng có đóng góp không nhỏ cho hoạt động TKNL trên toàn quốc. Tuy nhiên, khi được triển khai tại các địa phương, hoạt động TKNL còn những hạn chế nhất định như chưa được triển khai thành các chính sách địa phương cụ thể hoặc hạn chế trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp thực hiện những giải pháp TKNL.

Hỗ trợ tích cực cho hoạt động TKNL của Việt Nam, Dự án LCEE do Chính phủ Đan Mạch tài trợ đã được thực hiện từ năm 2013-2017 với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các giải pháp TKNL trong ba ngành gạch, gốm sứ và thực phẩm. Trong đó, một trong các mục tiêu của Dự án LCEE là hỗ trợ các địa phương ban hành chính sách/chương trình TKNL, xây dựng kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ít nhất 3 ngành trọng tâm của dự án. Theo nghiên cứu của Dự án LCEE, tiềm năng TKNL của các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề này lên đến từ 10-60%. Các doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều giải pháp để giảm mức tiêu thụ năng lượng mà chi phí đầu tư không quá lớn như cải thiện hệ thống chiếu sáng, lắp đặt biến tần cho động cơ, thay thế máy nén lạnh, thay thế hệ thống bình ngưng, cải thiện cách nhiệt…

Từ tháng 12/2014, dự án đã triển khai nghiên cứu đánh giá chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại 10 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp, Cần Thơ và Vĩnh Long. Đến nay, dự án đã hoàn thành nghiên cứu về các giải pháp TKNL triển khai cho ngành gạch và thủy sản. Bên cạnh đó, dự án cũng đã thiết kế và đang triển khai Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF) nhằm bảo lãnh tín dụng vốn vay và trả thưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện đầu tư TKNL.

Trong năm 2015, dự kiến, dự án sẽ đào tạo và hỗ trợ chính sách cho các cơ quan quản lý cấp tỉnh tại 10 tỉnh, thành của Việt Nam. Bên cạnh đó hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 ngành nghề kể trên triển khai các dự án TKNL. Cụ thể, dự án sẽ triển khai các hoạt động như tổ chức 46 cuộc kiểm toán năng lượng sơ bộ; Đào tạo tại chỗ cho các trung tâm TKNL; Xác định các dự án đầu tư và dự án trình diễn thí điểm; Đào tạo cho các đơn vị cung cấp dịch vụ TKNL; Nâng cao năng lực kỹ thuật và tiếp thị sản phẩm/dịch vụ; Tổ chức 10 hội chợ về TKNL tại địa phương và các chiến dịch truyền thông qua truyền hình/phát thanh tại địa phương…

Theo Tổng cục Năng lượng, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh, khoảng 11,5%, trong giai đoạn 2001-2010, trước khi có sự giảm nhẹ trong năm 2011 và 2012. Nhu cầu điện năng đã tăng 14% trong giai đoạn 2005-2010 và khoảng 11% trong các năm 2011-2012. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện năng luôn cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay. Do đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2015-2020 sẽ tập trung triển khai sâu vào các giải pháp cụ thể tại các địa phương.

Theo khảo sát của Dự án LCEE, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam tiêu thụ đến 40% tổng năng lượng trong lĩnh vực côngA nghiệp. Các doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Dự án LCEE được thiết lập để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc 3 ngành gạch, gốm sứ và chế biến thực phẩm, có tiềm năng TKNL tối thiểu 20% được tiếp cận với những khoản vốn vay ưu đãi để thực hiện các giải pháp đầu tư tiết kiệm năng lượng. Doanh nghiệp có thể được tiếp cận khoản vốn vay từ 400 triệu lên đến 4 tỷ đồng, được bảo lãnh ngân hàng lên đến 50%. Doanh nghiệp còn được thưởng 30% tổng giá trị dự án nếu đạt mức tiết kiệm 50% sau khi kết thúc dự án….

Dự án là một sáng kiến năm 2012 từ quan hệ hợp tác dài hạn giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Dự án hỗ trợ Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) và được thực hiện trên cơ sở đối tác giữa Bộ Khí hậu, Năng lượng và Tòa nhà Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Xây dựng Việt Nam. Tổng ngân sách dành cho dự án là 200 tỷ đồng.