Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ ba, 17/09/2024 | 01:59 GMT+7

Khoa học công nghệ

Sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón từ phụ phẩm ngành chế biến thực phẩm

16/08/2024

Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thành công thức ăn nuôi cá diêu hồng và phân bón sinh học trồng rau từ phế phụ phẩm chế biến thực phẩm.
Các phụ phẩm của quá trình chế biến thủy sản và giết mổ gia cầm được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích khác nhau. Các sản phẩm được làm từ các nguyên liệu không ăn được có đóng góp quan trọng về kinh tế cho các ngành công nghiệp liên quan khác và cho xã hội.
Việc chế biến và sử dụng các phụ phẩm giết mổ cũng góp phần cải thiện chất lượng môi trường. Phế phẩm như vỏ tôm, đầu tôm, phế liệu cá đã được chế biến thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như chitosan, dịch đạm, bột đạm, bột cá… Mặc dù vậy vẫn còn các loại phế phụ phẩm chế biến chưa được đầu tư công nghệ để tạo những sản phẩm có giá trị ở quy mô công nghiệp, trong đó có thể kể đến nội tạng hải sâm, nội tạng thủy sản nói chung và khuỷu chân gà.
Các phụ phẩm của quá trình chế biến thủy sản được tận dụng để chế biến thành sản phẩm có giá trị
Xuất phát từ thực tế nêu trên, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng thực hiện dự án: “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn nuôi cá diêu hồng và phân bón sinh học trồng rau từ phế phụ phẩm chế biến thực phẩm”. Dự án nhằm gia tăng giá trị và tận dụng tối đa phụ phẩm, góp phần giảm thiểu đáng kể thất thoát nguồn protein có lợi, đồng thời cũng thúc đẩy phát triển các sản phẩm mới, tạo ra nhu cầu mới trên thị trường, nâng cao giá trị cho ngành chế biến hải sâm và thịt gà. 
Dự án do PGS. TS. Đặng Minh Nhật làm chủ nhiệm. Mục tiêu của dự án là hoàn thiện được quy trình công nghệ, thiết bị và sản xuất thức ăn nuôi thủy sản, phân bón sinh học từ phụ phẩm chế biến thực phẩm. Sản phẩm của dự án được ứng dụng thử nghiệm thức ăn nuôi cá diêu hồng và phân bón sinh học trên cây rau.
Sau hai năm triển khai thực hiện, dự án đã hoàn thiện được quy trình sản xuất thức ăn nuôi cá diêu hồng từ khuỷu chân gà ở các quy mô phòng thí nghiệm, quy mô nhỏ và quy mô bán công nghiệp. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn thức ăn nuôi cá rô phi, cá diêu hồng theo Tiêu chuẩn Việt Nam. Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, hồ sơ đăng ký khảo nghiệm phân bón và đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân làm chủ dây chuyền công nghệ sản xuất. Dự án đã sản xuất được 12.000 kg thức ăn 35% đạm cho cá diêu hồng giai đoạn 4 và 14.850 kg thức ăn 28% đạm cho cá giai đoạn 2. Sản phẩm đã triển khai nuôi thử nghiệm trên diện tích ao nuôi 1 ha sử dụng thức ăn nuôi cá. 
Quy trình sản xuất phân bón sinh học (bón lá và bón rễ) từ nội tạng hải sâm đã hoàn thiện ở quy mô phòng thí nghiệm, quy mô nhỏ và quy mô bán công nghiệp. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn phân bón sinh học theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT. Dự án sản xuất được 10.839 lít phân bón lá và 24,4 tấn phân bón rễ theo tiêu chuẩn chất lượng cơ sở. Sản phẩm phân bón lá và phân bón rễ của dự án đã được thử nghiệm cho các mô hình trồng 6 loại rau củ trên diện tích 5 ha.
Sản phẩm phân bón sinh học và thức ăn cho cá của dự án
Nguyên liệu dự án sử dụng là phế phẩm của quá trình chế biến thực phẩm, cụ thể là hải sâm và chân gà. Đây là những phế phẩm cần phải xử lý nếu không sẽ tác động xấu đến môi trường. Dự án được triển khai đã góp phần xử lý hợp lý những phụ phế phẩm này, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Thành công của dự án góp phần cung cấp thêm một nguồn phân bón sinh học cho trồng rau củ và thức ăn nuôi cá.
Sản phẩm bột thịt xương thủy phân của dự án có thể thay thế được các loại nguyên liệu giàu đạm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cá diêu hồng, góp phần hạ giá thành sản phẩm thức ăn nuôi cá, tạo điều kiện cho ngành nuôi cá diêu hồng ở nước ta phát triển. Sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu chính là  khuỷu chân gà. Đây là nguồn nguyên liệu giá rẻ, nguồn cung dồi dào, đảm bảo tính ổn định sản xuất với quy mô lớn, giá thành cạnh tranh. 
Mô hình nuôi cá diêu hồng bằng thức ăn viên của dự án đã giúp người nuôi cá diêu hồng có thêm lựa chọn loại thức ăn, tạo thêm những vùng nuôi mới có chất lượng cao, nuôi ổn định, năng suất cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dự án "Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn nuôi cá diêu hồng và phân bón sinh học trồng rau từ phế phụ phẩm chế biến thực phẩm” góp phần  tạo điều kiện phát triển sản xuất thức ăn theo hướng bền vững, ổn định nhu cầu thức ăn viên cho cá diêu hồng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Công nghệ giúp giải quyết được công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven biển.
Hương Trà