Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:29 GMT+7

Tin hoạt động

Điện Quang với việc sản xuất sạch hơn - xu thế của ngành công nghiệp hiện đại

26/03/2015

Trong quá trình hội nhập quốc tế, sản xuất sạch hơn (SXSH) đã trở thành một trong những xu thế của ngành công nghiệp hiện đại. Theo xu hướng này, hiện nay, Điện Quang hoàn toàn sử dụng thuỷ tinh không chì trong sản phẩm, đồng thời loại trừ dần chì ra khỏi các công đoạn sản xuất có dùng chì, hay thay thế Hg dạng lỏng sang Hg dạng hạt nhằm hạn chế khuếch tán Hg vào môi trường.

Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ, nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Đối với sản xuất, sản xuất sạch hơn (SXSH) gồm quá trình bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải. Đối với sản phẩm, SXSH làm giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ. Còn với dịch vụ, SXSH đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

Áp dụng SXSH sẽ mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích: Cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị; giảm ô nhiễm; giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải; tạo nên hình ảnh về một doanh nghiệp xanh; cải thiện sức khoẻ nghề nghiệp và và an toàn.

Năm 1995, khái niệm “SXSH” lần đầu tiên được giới thiệu vào Việt Nam. Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã không ngừng tuyên truyền, quảng bá rộng rãi khái niệm và các giải pháp về SXSH đến các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất.

Đặc biệt, tháng 9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020” và đến năm 2013, Bộ Công Thương cũng phê duyệt các Đề án thực hiện Chiến lược SXSH.

Đề án đặt ra mục tiêu: Đến năm 2015, 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH, các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 5 - 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; giai đoạn 2016 - 2020, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH; các cơ sở sản suất công nghiệp áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 8 - 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm.

Tuy nhiên, theo đánh giá, đến nay nhận thức và áp dụng SXSH tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên cả nước vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tính đến đầu năm 2014, mới có khoảng 11% doanh nghiệp áp dụng SXSH.

Rào cản lớn nhất đối với SXSH ở Việt Nam chính là do các doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH vào sản xuất kinh doanh, trong khi đó, thực hiện SXSH cần một chi phí khá lớn đầu tư ban đầu, nên đa số các doanh nghiệp còn ngại ngần…

Để các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn đến SXSH, nhằm nâng cao vị thế, chất lượng sản phẩm khi ra thị trường thế giới, các chuyên gia cho rằng, cần có một khung pháp lý để cưỡng chế các doanh nghiệp tham gia vào SXSH. Đặc biệt, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để các doanh nghiệp tham gia vào SXSH.