Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 13/12/2024 | 12:03 GMT+7

Sản xuất bền vững

Lợi ích khi "xanh hóa" sản xuất vật liệu xây dựng

30/07/2024

Việc "xanh hóa" các sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) được các chuyên gia đánh giá sẽ mở ra thị trường mới cho nhóm ngành này, mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với các sản phẩm nâu, truyền thống cùng loại.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn, dẫn một câu nói nổi tiếng tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn thế giới năm 2023: “Tương lai là tuần hoàn, tương lai là xanh hoặc không có tương lai”. Kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Các nội dung cụ thể của nền kinh tế tuần hoàn có thương mại xanh, tiêu dùng xanh, thương hiệu xanh… Kinh tế tuần hoàn phải gắn được với thị trường thì mới thúc đẩy được các doanh nghiệp cùng tham gia.
Phát triển vật liệu xây dựng xanh là một xu thế tất yếu đối với ngành Xây dựng Việt Nam.
Mặt khác, quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên... Trước những chuyển động của thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước các rào cản xanh đặt ra bởi thị trường quốc tế, nhưng cũng đồng thời buộc phải theo xu hướng mới khi sản xuất các sản phẩm xanh.
Giải pháp phát triển nội lực “mềm” cho doanh nghiệp trong bối cảnh thương mại xanh nên gắn với thực chất những giải pháp CSR (trách nhiệm của doanh nghiệp), ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp), Net-Zero (phát thải ròng bằng 0) trong hệ sinh thái doanh nghiệp để hình thành “câu chuyện” xây dựng thương hiệu.
Còn với TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Trường Đại học RMIT cho rằng, “xanh hóa” trong sản xuất là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa bền vững.
Theo khảo sát của Rakuten Insight năm 2023, có đến 84% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm bền vững. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình có Liên minh châu Âu đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào khu vực này.
Xanh hóa không còn là một lựa chọn mà là yếu tố thắng đơn hàng khi xuất khẩu. Xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy xanh hóa.
Các chuyên gia trong ngành cũng nhìn nhận, xét về mặt lợi ích, các loại VLXD xanh có nhiều ưu điểm vượt trội, giúp giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống lại biến đổi khí hậu; tận dụng nguồn phế thải từ các ngành công nghiệp khác, sau khi sử dụng cũng dễ dàng tái chế, giúp cho ngành xây dựng và các ngành khác phát triển bền vững, đây cũng là giải pháp giúp tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản.
Gợi mở cơ hội
Hiện trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh như: nhóm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước, quản lý chất thải, tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ ISO 11041…
Theo thống kê của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), các công trình xây dựng sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn xây dựng tác động không nhỏ đối với môi trường, đòi hỏi cần phải có sự chuyển đổi.
Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên khoáng sản đang ngày càng cạn kiệt, cùng với gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển các loại VLXD xanh, thân thiện với môi trường đang dần trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất VLXD, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Minh chứng từ thực tế cho thấy, xanh hóa ngành VLXD là con đường tất yếu mà các doanh nghiệp phải lựa chọn nhằm hạn chế phụ thuộc vào tài nguyên khan hiếm, bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững trên thị trường. Việc thực hành ESG (môi trường - xã hội - quản trị) hay những cam kết về phát triển bền vững không còn là lựa chọn của doanh nghiệp mà đã trở thành bắt buộc khi EU đã áp dụng thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Secoin Võ Thị Liên Hương chia sẻ, sử dụng vật liệu xanh để xây dựng một không gian sống lý tưởng đang là xu hướng tất yếu của thời đại khi cả người dùng và giới đầu tư bất động sản đều đặt tiêu chí an toàn và bền vững lên hàng đầu. Ngày nay, sự phát triển của kiến trúc hiện đại đã đặt ra nhiều yêu cầu mới về việc sử dụng các loại vật liệu. Sản xuất ra VLXD “bền vững", “xanh” là “passport" đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới.
Là DN trong lĩnh vực sản xuất gạch nghệ thuật tại Việt Nam, luôn chú trọng phát triển thương hiệu bền vững. Các sản phẩm của Secoin mang đậm giá trị truyền thống, đáp ứng tiêu chí chất lượng cao, tính độc đáo và tính đích thực.
Thương mại bền vững xảy ra khi trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tạo ra lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của phát triển bền vững (như tạo ra giá trị kinh tế; giảm nghèo và bất bình đẳng; bảo tồn và tái sử dụng tài nguyên môi trường).
Bên cạnh đó, 4 tiêu chí thương hiệu quốc gia gồm chất lượng sản phẩm, tính độc đáo, tính đích thực, sự sẵn lòng mua sản phẩm. Tính độc đáo là doanh nghiệp hợp tác với các nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới, cung ứng những sản phẩm đạt chuẩn, thân thiện môi trường, giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc… Hiện sản phẩm đã có mặt tại Tây Ban Nha, Ma rốc, Mexico, Brazil và nhiều nước khác trên thế giới.
Mới đây, Xi măng Fico-YTL ra mắt nhãn xanh ECOCem cho toàn bộ danh mục sản phẩm theo các tiêu chí bền vững, theo tiêu chuẩn phát thải ISO 14021:2016. Theo đại diện Công ty chia sẻ, sản phẩm xi măng gắn nhãn xanh ECOCem của Fico-YTL có lượng phát thải CO2 thấp so với xi măng Portland (850kg CO2/tấn) do được sản xuất với ít tài nguyên hơn.
“Bằng việc tiên phong công bố nhãn xanh ECOCem, Fico-YTL mong muốn truyền thông minh bạch đến khách hàng và người tiêu dùng về những nỗ lực trong việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm xi măng thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy ngành xây dựng bên vững và dựng xây Việt Nam xanh hơn” - vị đại diện Công ty Xi măng Fico-YTL nói.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Module9 Phạm Tuấn Linh cho biết, vật liệu bê tông đang có xu hướng phát triển xanh như bê tông tính năng siêu cao, in 3D, cốt liệu tái chế, tự vá, graphic... với các sản phẩm cấu kiện đúc sẵn như tấm tường Acotech, ống cống đúc đẩy, vỏ vách hầm Metro, công nghệ xây dựng bằng phương pháp in 3D, công nghệ cọc bê tông ly tâm không vữa thừa, công nghệ xây nhà biệt thự bằng cấu kiện đúc sẵn, giải pháp bê tông cho công trình đường thủy… được ứng dụng phổ biến trong thi công, xây dựng hiện nay hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050 do Chính phủ Việt Nam đặt ra.
Theo báo cáo của Nielsen, thị trường toàn cầu cho các sản phẩm “xanh” đang tăng trưởng nhanh hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với các sản phẩm “nâu” cùng loại. Trước những chuyển động này của thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động của các rào cản xanh đặt ra bởi thị trường quốc tế, nhưng cũng đồng thời buộc phải theo mới cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh.
Theo Báo Kinh tế & Đô thị