Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:21 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Tái chế phao xốp làm vật liệu xây dựng

14/03/2024

Thực hiện chủ trương thay thế vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn, tỉnh Quảng Ninh có trên 6,85 triệu quả phao xốp cần chuyển đổi sang phao nhựa HDPE hợp quy. Do đó, địa phương phải có phương án xử lý phao xốp để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Xử lý rác thải từ phao xốp làm nhiên liệu đốt thu hồi nhiệt sau đó nung thành clinker sản xuất xi măng hoặc tạo ra các sản phẩm nhựa đặc…là lợi ích kép mà Quảng Ninh đang thực hiện.
Đến cuối tháng 11/2023, tỉnh Quảng Ninh có khoảng trên 32.000 ha nuôi trồng thủy sản tập trung ở 8/13 địa phương, trong đó riêng nuôi biển chiếm 68%. Đến nay, việc thu gom phao xốp để thay thế đạt khoảng 98%. Để giải quyết bài toán rác thải từ phao xốp, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương lên phương án xử lý đảm bảo quy định, không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Theo đó, các thành phố Cẩm Phả, Hạ Long đã xử lý theo hướng vận chuyển vào các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất xi măng để làm nhiên liệu đốt thu hồi nhiệt, giúp tiết kiệm than. Mặt khác, khi nung ở nhiệt độ cao, phao xốp được chuyển hóa hết nhiệt không phát sinh mùi khét, không gây ảnh hưởng môi trường, sau đó được nung thành clinker sản xuất xi măng.
Khu vực dây chuyền gia nhiệt chế biến các phao xốp thành các miếng nhựa đặc.
Thị xã Quảng Yên đã được đơn vị cung ứng phao HDPE đạt chuẩn ở Bắc Ninh làm đầu mối vận chuyển lượng phao xốp này về địa phương khác để tái chế. Huyện Đầm Hà, thành phố Móng Cái… thực hiện tiêu hủy, xử lý rác theo quy định.
Huyện Vân Đồn với số lượng trên 2 triệu quả phao tập kết tạm tại Cảng cá Cái Rồng đang được Công ty Cổ phần VietCycle (doanh nghiệp chuyên thu gom, chuyển giao, tái chế phế liệu trong nước) nhận xử lý không thu phí bằng dây chuyền nghiền, gia nhiệt và nén khí áp lực để tạo ra các sản phẩm nhựa đặc, là các nguyên liệu thứ cấp tái chế sang các dạng sản phẩm khác.
Anh Phạm Văn Tùng, chuyên viên kỹ thuật Công ty Cổ phần VietCycle cho biết, khi biết huyện Vân Đồn có nhu cầu xử lý hơn 2 triệu quả phao xốp rác thải, Công ty đã hoàn thiện các thủ tục và đưa dây chuyền về tận địa phương để thực hiện, bởi nếu vận chuyển hàng triệu quả phao xốp cồng kềnh, mất nhiều thời gian và chi phí. Đến nay, sau hơn 1 tháng, doanh nghiệp đã xử lý được khoảng 40 tấn, còn khoảng trên 250 tấn phao xốp. Đơn vị đang lắp đặt dây chuyền mới công suất cao hơn để tăng hiệu suất, dự kiến trong quý II/2024 sẽ xử lý xong toàn bộ.
Anh Tùng chia sẻ thêm, dây chuyền này không gây tiếng ồn lớn, không ảnh hưởng môi trường, dễ vận chuyển. Các phao xốp sau khi được làm sạch sơ được đưa đi nghiền, gia nhiệt, nén khí, tạo thành các miếng nhựa đặc, kích thước rất nhỏ so với quả phao xốp ban đầu. Sau đó, các miếng nhựa được vận chuyển về các nhà máy ở Hải Phòng, Hà Nội để tiếp tục lọc cặn bẩn sao cho sạch nhất có thể và trở thành nguyên liệu đầu vào cho những sản phẩm nhựa phế phẩm (nhựa đen)…
Phao xốp cũng là một dạng nhựa, do vậy khi xử lý bằng phương pháp đốt để tiêu hủy sẽ có mùi khét, khói đen, ảnh hưởng đến môi trường. Việc tái chế loại rác này sẽ tạo ra được lợi ích kép, giải toán được bài toán về điểm tập kết tạm của các địa phương.
Ông Bùi Văn Hường, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Rồng huyện Vân Đồn cho biết, quá trình gia nhiệt lượng phao xốp của Công ty Cổ phần VietCycle gần như không phát tán mùi và không gây ảnh hưởng đến dân cư. Chính quyền thị trấn mong muốn Công ty sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền với công suất lớn hơn, tăng công suất chế biến để sớm xử lý hết lượng phao xốp còn tồn đọng.
Việc tập kết hơn 2 triệu quả phao xốp tại cảng cá Cái Rồng không chỉ chiếm nhiều diện tích khai thác của cảng cá mà còn ảnh hưởng tới các công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… Quá trình phao xốp được tập kết tạm tại cảng có thể bị phát tán ra môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy cao...
Theo ông Đặng Ngọc Thiết, Trưởng Bộ phận cảng bến thuộc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Vân Đồn, ngày 4/5/2023, bãi chứa phao xốp tạm tại Cảng cá Cái Rồng đã xảy ra cháy lớn. Trung tâm phải thành lập đội giám sát túc trực 24/24 giờ cùng hệ thống camera giám sát để kịp thời ngăn chặn mọi nguy cơ tái cháy. Việc có đơn vị chế biến và di chuyển trên 2 triệu quả phao xốp là rất cần thiết, giúp giảm chi phí cho địa phương và đặc biệt là ít tác động đến môi trường.
Theo: Tạp chí Môi trường và Cuộc sống