Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 13/12/2024 | 12:00 GMT+7

Điển hình

Công ty Mía đường Sơn La áp dụng mô hình tuần hoàn trong sản xuất

22/09/2024

Nhờ phát triển sản xuất tuần hoàn, thân thiện với môi trường giúp Công ty Mía đường Sơn La vượt qua gian khó.
Những năm gần đây, giá bán đường nhiều thời điểm thấp hơn giá thành sản xuất. Hệ lụy của đại dịch Covid-19 cùng tác động của các cuộc xung đột trên thế giới đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá vật tư đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, diện tích trồng mía bị cạnh tranh khốc liệt với các cây trồng khác đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (Công ty Mía đường Sơn La).
Trước tình hình đó, để có thể đứng vững, Công ty đã chủ động  áp dụng các giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ để tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản xuất.
Công ty Mía đường Sơn La đầu tận dụng toàn bộ phụ phẩm để sản xuất phân bón, phát điện. (Nguồn: internet)
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến (Công ty Mía đường Sơn La), bên cạnh việc xây dựng chuỗi liên kết bền chặt với nông dân để giữ vững vùng nguyên liệu, Công ty cũng đẩy mạnh hoạt động sản xuất tuần hoàn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí khi toàn bộ phụ phẩm trong quá trình chế biến mía đều được tận dụng để sản xuất phân bón và nguyên liệu đốt phát điện.
Cụ thể, bã mía sau khi ép được chuyển qua hệ thống băng tải đưa sang bộ phận lò hơi làm nguyên liệu đốt, cung cấp hơi cho máy phát điện 9 MW của Công ty. Hiện tại, với lượng nhiên liệu bã mía ước đạt 120.000 tấn/vụ, lượng điện sản xuất phục vụ dây chuyền bình quân trong mỗi vụ mía ước đạt 17.000 MW. Công ty đã tự cung cấp được lượng điện cho hoạt động sản xuất và dư thừa gần 2 MW (hiện nhà máy đang làm thủ tục để có thể phát lên lưới điện quốc gia). Một lượng bã mía dư thừa Công ty bán cho các đơn vị ép viên nén xuất khẩu và các hợp tác xã trong vùng sử dụng sản xuất phân bón hữu cơ, cải tạo đất…
Tận dụng bã mía làm nguyên liệu đốt lò hơi cung cấp cho máy phát điện giúp Công ty Mía đường Sơn La tiết kiệm được rất nhiều chi phí. (Nguồn: Báo Nông Nghiệp)
Phần tro và bã bùn cũng được Công ty thu gom để sản xuất phân bón. Ông Tài cho biết, khi nước mía đi vào thiết bị lắng nhanh, các tạp chất trong nước mía tạo kết tủa lắng xuống đáy (gọi là nước bùn) và được đưa vào máy lọc chân không để lọc tách bùn ra khỏi dây chuyền với sản lượng ước tính 20.000 tấn/năm. Một phần lượng bùn này được đưa đi sản xuất phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng.
"Nhà máy hiện có một xưởng sản xuất phân hữu cơ vi sinh với công suất 10.000 tấn/năm. Toàn bộ lượng phân bón này được cung cấp lại cho các hợp tác xã, hộ trồng mía trên toàn vùng nguyên liệu của Công ty và một phần cung cấp cho các đơn vị bạn trên địa bàn để sản xuất phân bón cho các cây trồng khác", ông Tài nói.
Khu vực hệ thống xử lý nước thải (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)
Để bảo vệ môi trường, Công ty đã xây dựng 2 hệ thống xử lý nước thải công suất 900m3/ngày đêm và 2.000m3/ngày đêm hoạt động ổn định, nước thải trong hoạt động sản xuất sau khi được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp và được tuần hoàn tái sử dụng hoàn toàn.
Công ty đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục, có camera giám sát; thực hiện truyền dữ liệu quan trắc tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường phục vụ cho việc theo dõi, giám sát hoạt động xử lý chất thải. 
Những nỗ lực trên đã giúp Công ty cổ phần Mía đường Sơn La nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Anh Thư