Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 22:50 GMT+7

Tin hoạt động

EU thông qua dự luật về cắt giảm rác thải bao bì, cấm đồ nhựa dùng một lần

20/03/2024

Chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua một dự luật mới của EU về cắt giảm rác thải bao bì và cấm đồ nhựa dùng một lần.
Thỏa thuận đặt ra một số mục tiêu, trong đó có mục tiêu giảm dần rác thải bao bì bất kể vật liệu (nhựa, gỗ, sắt, nhôm, thủy tinh, giấy và bìa cứng). Cụ thể, giảm 5% đến năm 2030, 10% đến năm 2035 và 15% đến năm 2040 so với năm 2018. Đến năm 2030, tất cả các bao bì được sử dụng trong EU phải tái chế được, ngoại trừ một số trường hợp.
Ngoài ra trong các quán cà-phê và nhà hàng, tất cả các sản phẩm nhựa sử dụng một lần cho bán lẻ sẽ bị cấm nhưng bao bì bằng giấy hoặc bìa cứng vẫn được phép. Do đó, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh sẽ không bắt buộc phải sử dụng hộp đựng có thể tái sử dụng thay cho bao bì dùng một lần, nhưng phải cho phép người tiêu dùng sử dụng hộp đựng của riêng mình nếu họ muốn mang bữa ăn đi. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực khách sạn được hưởng lợi từ một số miễn trừ nhất định.
Để có hiệu lực, dự luật này còn cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn.
EU đặt mục tiêu giảm dần rác thải bao bì bất kể vật liệu như nhựa, gỗ, sắt, nhôm, thủy tinh, giấy và bìa cứng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2021, châu Âu đã sản xuất 84 triệu tấn bao bì, tương đương 188,7 kg rác thải trên mỗi người dân. Nếu không có giải pháp, lượng rác thải này có thể tăng lên khoảng 209kg vào năm 2030. Điều này là minh chứng cho việc các biện pháp cắt giảm rác thải và cấm bao bì nhựa dùng một lần là cần thiết và khẩn trương.
Trong bối cảnh thách thức của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, EU đã đưa ra tín hiệu mạnh mẽ về sự cam kết của mình đối với việc bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân. Điều này không chỉ là bước tiến lớn mà còn là ví dụ mẫu mực cho các khu vực và quốc gia khác trên thế giới.
Hương Linh