Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 20:29 GMT+7

Tin hoạt động

Đồng Nai phê duyệt Đề án giảm thiểu khí các-bon

14/03/2024

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án giảm thiểu khí các-bon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Đề án nhằm đánh giá được đúng thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trên cơ sở đó, Đồng Nai xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm thiểu khí các-bon của tỉnh Đồng Nai, góp phần thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của cả nước theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây dựng lộ trình và cách thức thực hiện trong việc cắt giảm phát thải trên địa bàn toàn tỉnh theo lộ trình tham chiếu của các khu vực lân cận và đã tích hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, giai đoạn 2025-2030, Đồng Nai đặt mục tiêu giảm phát thải 20%; giai đoạn 2030-2035, giảm phát thải 45%; giai đoạn 2035-2045, trung hoà các-bon; giai đoạn 2045-2050, phát thải khí nhà kính bằng 0. Lộ trình cụ thể sẽ được tham luận và thống nhất trong quá trình thực hiện Đề án nhằm đảm bảo tính phù hợp và khả thi cũng như xét đến các yếu tố đặc trưng của tỉnh.
Đồng Nai hướng tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Theo Đề án này, có 7 lĩnh vực trọng điểm và 4 giai đoạn để thực hiện. Bảy lĩnh vực trọng điểm là công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng và bất động sản.
Đối với công nghiệp, tập trung vào các ngành sản xuất lớn như thép, xi măng, gỗ, và dệt may.
Đối với giao thông vận tải, tập trung tối ưu hóa hệ thống giao thông, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và xe điện.
Đối với nông nghiệp và lâm nghiệp, áp dụng phương pháp canh tác thông minh, tăng cường quản lý rừng bền vững.
Đối với xây dựng và bất động sản, thúc đẩy xây dựng nhà xanh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
Bốn giai đoạn thực hiện Đề án là: Giai đoạn 1 (từ năm 2025-2030): Giảm 20% phát thải khí nhà kính; giai đoạn 2 (từ năm 2030-2035): Giảm 45% phát thải khí nhà kính; giai đoạn 3 (từ năm 2035-2045): Trung hòa carbon; giai đoạn 4 (từ năm 2045-2050): Đạt phát thải khí nhà kính bằng 0.
Trước mắt, giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai khuyến khích sử dụng điện và năng lượng xanh trong giao thông vận tải; sử dụng xăng E5; giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp đồng thời tăng tỷ lệ hấp thụ carbon, nâng tỷ lệ xử lý chất thải.
Giải pháp đặt ra là xác định chi tiết tiềm năng các nguồn năng lượng. Phát triển mạnh các dự án năng lượng mới không phát thải như: sản xuất nhiên liệu hydrogen, amoniac xanh; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng. Cùng với đó, hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo năm 2030 thị trường tín chỉ carbon của tỉnh được vận hành, kết nối với các thị trường trong nước, các nước khu vực và trên thế giới.
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh sẽ có báo cáo mục tiêu, thời hạn giảm phát thải cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực trọng điểm và toàn tỉnh. Báo cáo phát triển chiến lược chuyên ngành và đa ngành nhằm giảm thiểu carbon trong các ngành kinh tế trọng điểm. Báo cáo phương án, lộ trình chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp và trung tâm logistics để đạt mục tiêu net zero năm 2050.
Công nghiệp - một trong 7 ngành, lĩnh vực chủ yếu được tỉnh Đồng Nai nghiên cứu về giảm phát thải, hướng tới Net Zero các-bon
Về tổ chức triển khai thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo về Tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Nai tập trung triển khai thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; đồng thời, Ban Chỉ đạo về Tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Nai còn chỉ đạo, điều phối triển khai thực hiện Đề án theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Căn cứ các nội dung của Đề án này, các Sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, Sở TN&MT Đồng Nai chủ trì, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Sở Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về Tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Nai trong công tác tham mưu, đề xuất các nội dung của Đề án; chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan trong việc tổng hợp, thống kê các số liệu về chất thải và quản lý chất thải, thông tin về quản lý sử dụng đất; thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc huy động vốn vay nước ngoài, vốn viện trợ từ các tổ chức quốc tế, các đối tác song phương và đa phương đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định.
Cùng với đó, Sở TN&MT Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai các dự án có liên quan chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; chủ trì tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý doanh nghiệp và thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân hiểu về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính để triển khai thực hiện cam kết; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo lộ trình, tiến độ của các hợp phần của Đề án, bao gồm cả đề xuất kinh phí cụ thể để thực hiện Đề án.
Chí tiết Quyết định số 385/QĐ-UBND tại đây.
Khánh An