Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 19:23 GMT+7

Sản xuất bền vững

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng chủ động sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính

18/03/2024

Đến nay, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng không chỉ hướng tới phát triển, ứng dụng công nghệ xanh mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ở Việt Nam, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ và phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon. Với mức tiêu thụ năng lượng và đóng góp lớn vào lượng phát thải khí nhà kính, cộng với những thách thức toàn cầu như: gia tăng dân số, cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, việc phát triển các công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, và bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên Thế giới.
Một trong những xu hướng quan trọng nhất là sử dụng vật liệu tái chế và có khả năng tái chế trong quá trình xây dựng. Đồng thời thiết kế các công trình để giảm lượng rác thải và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng. Các chuyên gia nhìn nhận, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng.
Để chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp xanh, doanh nghiệp cần phải đo được mức phát thải để hướng tới phát thải ròng bằng 0 (NetZero). Điều này cho thấy, các nhà sản xuất cần kiểm kê đầu vào của nguyên liệu sản xuất, đặc biệt với nguyên liệu thô. 
Theo ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch Công ty Sông Đà Cao Cường cho biết, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng tổ hợp nhà máy xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, bê tông khí chưng áp. Để tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp sử dụng kinh tế tuần hoàn như một công cụ thiết thực để sản xuất tiêu dùng bền vững, hiệu quả với việc đang triển khai hai tổ hợp. Tại Hải Dương, doanh nghiệp đã đầu tư tổ hợp nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, ứng dụng xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện chạy than ở phía Bắc, tập trung cải tiến, đổi mới công nghệ tự động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá thành. Tại Hải Phòng, doanh nghiệp triển khai trung tâm xử lý bã thải của nhà máy Phân bón DAP Đình Vũ để sản xuất thạch cao nhân tạo, cung cấp cho ngành sản xuất xi măng tấm trần... thay thế thạch cao tự nhiên đang nhập khẩu với giá cao.
Cũng theo ông Kiều Văn Mát, dự án Sông Đà Cao Cường, sau khi tro xỉ được xử lý bài bản sẽ sản xuất ra các cấu kiện bê tông nhẹ, bê tông nặng, phục vụ xây dựng ở biển đảo, các phụ gia phục vụ cho ngành Bê tông, Xi măng; các loại keo, vữa phục vụ cho ngành Xây dựng. Đây là dự án sử dụng hệ thống khép kín triệt để nhất, từ khí thải, nước… đều tuần hoàn một cách tối đa.
Hiện nay, Sông Đà Cao Cường đang cung cấp sản phẩm xanh vào các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng trên cả nước; tái chế của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Trong tương lai Công ty Sông Đà Cao Cường sẽ tham gia thị trường tín chỉ carbon với những tiêu chí xanh. Năm 2023, Bộ Công Thương và tổ chức của Đan Mạch đã hỗ trợ ký hợp đồng với Công ty để kiểm kê khí nhà kính, ông Kiều Văn Mát cho hay.
Nhà máy sản xuất vữa khô trộn sẵn của Công ty Sông Đà Cao Cường.
Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty CP Hóa dầu Công nghệ Cao Hi-PEC Nguyễn Đức Hải thông tin, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp đã tìm hiểu và đem về những công nghệ tiên tiến nhất về sơn phủ để đem về áp dụng tại Việt Nam. HIPEC đã định hướng cho các sản phẩm của Công ty theo mục tiêu xanh và sinh thái. Trên Thế giới đã áp dụng nhiều công nghệ mới với xu hướng xanh, bền vững giảm tác hại khí nhà kính. Năm 2014, tại Tây Ban Nha đã phát minh ra một loại sơn gốc vôi tự nhiên, tuy nhiên có nhược điểm là vật liệu này không bền. Sau khi nghiên cứu, họ đã tạo ra một loại sơn kết hợp từ vôi và nano có thể hấp thụ CO₂ và chuyển hóa thành đá vôi.
Về các loại sơn công nghiệp, chúng tôi nhập khẩu những loại sơn không có dung môi, giảm nhiệt độ trong phòng. NetZezo cần sự chung tay của tất cả mọi người để hạn chế thấp nhất phát thải khí nhà kính, ông Nguyễn Đức Hải nói.
Nhằm nỗ lực thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, nhiều chính sách, quy định đã được ban hành và đi vào thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề khó khăn hiện nay chính là thống kê phát thải khí nhà kính rất khó vì liên quan đến máy móc, thiết bị, công thức. Các số liệu về phát thải khí nhà kính hiện vẫn chưa được công khai, chưa cụ thể về phương pháp tính nên ngành Xây dựng khó có thể tính toán được một cách đúng đắn.
Đại diện Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) nhìn nhận, việc phát triển các công trình xanh ở Việt Nam mới chỉ được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích, chưa có quy định cụ thể nào bắt buộc. Số lượng công trình xanh đã tăng lên đáng kể hàng năm nhưng so với tổng số công trình được xây dựng thì còn khá khiêm tốn. Việt Nam cũng chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.
Nhằm hướng tới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, lĩnh vực xây dựng phải chịu trách nhiệm giảm 74,3 triệu tấn CO₂ tương đương. Phát triển vật liệu xanh vì thế trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam.
Để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ các công trình xanh, vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam, việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành cần chú trọng hơn nữa. Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các vật liệu xanh, các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng 0, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa carbon…, vị đại diện Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon cho biết.
Theo: ximang.vn