Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 21:48 GMT+7

Tin hoạt động

TP Hồ Chí Minh phát triển kinh tế tuần hoàn

06/02/2024

Theo Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, những năm qua, Thành phố này đã chủ động khai thác tiềm năng, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Liên quan đến vấn đề này, PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, mời quý vị và các bạn theo dõi.
Trước hết, cảm ơn TS Lê Bá Chí Nhân đã nhận lời mời trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Thưa TS, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã xây dựng bản đồ chính sách về phát triển kinh tế số, với vị thế là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, theo TS, TP Hồ Chí Minh phải làm gì đê khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững?
TS Lê Bá Chí Nhân: Trong nền kinh tế tuần hoàn, tính tuần hoàn của vật chất được chú trọng cả trong sản xuất và tiêu dùng. Trong sản xuất, bằng việc phối hợp các dây chuyền sản xuất làm hạn chế đến mức thấp nhất chất thải, bao gồm cả nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị dùng cho sản xuất và việc sử dụng năng lượng. Trong tiêu dùng, những vật dụng tiêu dùng, hàng hóa đang ở cuối vòng đời sẽ trở thành nguồn lực cho dây chuyền sản xuất khác, lấp đầy khoảng trống trong các hệ sinh thái công nghiệp và giảm thiểu lượng rác thải. Mục tiêu là tối đa hóa giá trị tại mỗi giai đoạn trong vòng đời của một sản phẩm - mỗi giai đoạn đều phát huy giá trị hữu ích và theo đó, tạo ra công ăn việc làm mới. Đây là mô hình kinh tế hướng tới phát triển bền vững, bởi nó đạt được 3 mục tiêu: Ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên - là đầu vào của sản xuất; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Dạng thức sơ khai của kinh tế tuần hoàn là việc xây dựng các tổ hợp kinh tế, bao gồm các nhà máy, doanh nghiệp liên quan đến nhau theo quy trình công nghệ từ đầu vào đến đầu ra (đầu ra của nhà máy này là đầu vào của những nhà máy khác) với mục tiêu là hợp lý hóa các dây chuyền sản xuất, tiết kiệm chi phí, đặc biệt là chi phí vận chuyển, tiết kiệm năng lượng, ví dụ như xây dựng các tổ hợp lọc hóa dầu, tổ hợp kinh tế công - nông nghiệp,… Kinh tế tuần hoàn trở thành mô hình kinh tế phổ biến trong điều kiện hiện nay vì hội đủ những tiền đề khách quan để các mô hình kinh tế này vận động hiệu quả; đồng thời giúp giải quyết nhiều thách thức đang đặt ra của nền sản xuất.
Thứ nhất, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ làm cho việc tái chế, tái sử dụng, tái cấu trúc sản phẩm trở nên khả thi trên cả phương diện công nghệ cũng như hiệu quả kinh tế. Nếu như trước đây, nhiều vật liệu, sản phẩm không thể tái chế, tái sử dụng thì ngày nay, công nghệ đã giải quyết được những vấn đề đó. Hơn nữa, việc tái chế, tái sử dụng được thực hiện với chi phí phải chăng, chấp nhận được về mặt hiệu quả kinh tế và có xu hướng ngày càng giảm đi do sự phát triển liên tục của khoa học - công nghệ. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ còn thay đổi cả xu hướng tiêu dùng, cho phép bố trí lại sản xuất xã hội ngày một hợp lý và hiệu quả hơn. Đây chính là những điều kiện cần thiết để kinh tế tuần hoàn phát triển, khẳng định vai trò trong sản xuất xã hội.
Thứ hai, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ mới cho phép tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Việc thu thập và xử lý nhanh chóng khối lượng lớn thông tin cho phép việc sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ chính xác theo nhu cầu của mỗi khách hàng. Sản xuất hàng loạt, với nhược điểm không đáp ứng các nhu cầu khác nhau của mỗi khách hàng, gây lãng phí tài nguyên dần bị thay thế bằng việc sản xuất theo nhu cầu cụ thể của mỗi khách hàng. Đây là một bước tiến lớn trong trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, hiệu quả.
Nếu như sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ tạo ra các tiền đề cần thiết để kinh tế tuần hoàn phát triển, thì yêu cầu phát triển bền vững cũng đặt ra nhu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, xem đây như một giải pháp chủ yếu để ứng phó với tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu.
Như vậy, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng các mục tiêu của phát triển bền vững.
Thưa TS, xét về các yếu tố cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn, TP Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện thuận lợi gì so với các địa phương khác trong cả nước?
TS Lê Bá Chí Nhân: TP Hồ Chí Minh có lực lượng đông đảo các doanh nghiệp với nhiều tiềm năng về công nghệ, quản trị và liên kết quốc tế. Đây là nền tảng thuận lợi để phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tính đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ 5.470.861 tỷ đồng, chiếm 52% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng số doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới đạt 209.109 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 2.810.406 tỷ đồng, so với giai đoạn 2011 - 2015 tăng 58% về số lượng doanh nghiệp và tăng 236% về tổng vốn đăng ký.
Ngoài các doanh nghiệp trong nước, Thành phố còn có lực lượng đông đảo các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn Thành phố có hơn 9.440 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 52,88 tỷ USD. Thành phố tập trung thu hút đầu tư các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn, trình độ khoa học - công nghệ cao, có thương hiệu; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và quản trị tiên tiến; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, như công nghệ cao, thâm dụng khoa học - công nghệ; nghiên cứu và phát triển, đào tạo, ươm tạo phục vụ nhà đầu tư; xúc tiến đầu tư gắn kết với xây dựng kết cấu hạ tầng, quy hoạch và bảo vệ môi trường. Sản xuất của các doanh nghiệp ổn định, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 17 tỷ USD giai đoạn 2016 - 2020.
Số lượng lớn các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế với tiềm lực quản trị, công nghệ hiện đại, với các mối quan hệ kinh tế bạn hàng - đối tác theo chiều ngang hoặc quan hệ trực thuộc công ty mẹ - công ty con cả ở phạm vi trong nước và quốc tế là những điều kiện thuận lợi để xây dựng mối quan hệ liên kết theo chuỗi hoặc sử dụng chung tiềm lực sản xuất của nhau, qua đó, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thành phố đã thực sự trở thành một trung tâm giáo dục và đào tạo lớn của cả nước và từng bước trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo của khu vực. Giáo dục đại học trên địa bàn thành phố phát triển mạnh theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết quốc tế. Các trường đại học, cao đẳng đặc biệt quan tâm công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo theo định hướng chuẩn khu vực và quốc tế. Công tác quản lý thực hiện theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho các nhà trường trên nguyên tắc tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Thành phố có 54 trường đại học, học viện với hơn 500.000 sinh viên đang theo học; 17 cơ sở được kiểm định; 117 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế; 163 chương trình liên kết với các trường của nhiều quốc gia hàng đầu về giáo dục và đào tạo; hơn 5.000 sinh viên Việt Nam và 2.000 sinh viên quốc tế theo học các chương trình quốc tế; hơn 1.500 lượt giảng viên quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu, giao lưu và học tập; có gần 900 hoạt động ký kết hợp tác với các tổ chức quốc tế trong 3 năm gần đây.
Có 30/80 trường đại học, cao đẳng đạt chuẩn chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc chuẩn khu vực và quốc tế, 94 ngành được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế, khu vực và trong nước; nội dung, chương trình đào tạo tiếp cận chuẩn chất lượng giáo dục tiên tiến của các nước; tiến tới công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ và kỹ năng nghề giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố với các nước ASEAN và thế giới.
Là trung tâm giáo dục và đào tạo lớn của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh tạo ra nguồn lực cho sự phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, mà nguồn lực lao động với khả năng sáng tạo và trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến là chất liệu chính để phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời Thành phố là nơi tập trung của nguồn lực lao động chất lượng cao của cả nước.
Là trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước nên Thành phố Hồ Chí Minh như một “thỏi nam châm” thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên cả nước. Ngoài ra, Thành phố còn thu hút một lực lượng đáng kể chuyên gia, nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Tổng số lao động của Thành phố năm 2020 là khoảng 4,7 triệu người, chiếm 51% dân số thành phố và 8,7% lao động cả nước. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề ước đạt 85% trong tổng số lao động đang làm việc. Tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm ước đạt 87%. Năng suất lao động trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng cao, trong đó, khu vực dịch vụ tăng bình quân 6,4%/năm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 5,3%/năm; khu vực nông nghiệp tăng bình quân 21,1%/năm(2).
Trong khu vực công, Thành phố triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng đa dạng theo chức danh, theo vị trí việc làm và đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề. Định kỳ hằng năm cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, Thành phố còn triển khai Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Chương trình đào tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi và Chương trình đào tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị và kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trong các đơn vị sự nghiệp công lập; đưa nội dung đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào nội dung hoạt động giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có không ít những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Trước hết là những bất cập về tổ chức bộ máy và cơ chế, chính sách. Kết cấu hạ tầng đô thị, mặc dù được đầu tư, cải tạo, nhưng vẫn tỏ ra bất cập, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Sự kết nối của Thành phố với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các địa phương khác của cả nước và quốc tế chưa chặt chẽ, còn nhiều điểm nghẽn, “nút thắt”.
Vậy TP Hồ Chí Minh sẽ phải làm gì để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh, kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu?
TS Lê Bá Chí Nhân: Mặc dù chưa có chương trình, kế hoạch chuyên đề về phát triển kinh tế tuần hoàn nhưng nhiều nội dung cốt lõi hướng tới sự phát triển kinh tế tuần hoàn đã được TP Hồ Chí Minh lồng ghép trong chủ trương, quan điểm và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hướng tới tăng trưởng xanh, tiết kiệm tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường. Thành phố xác định mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh, kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh, chủ động hội nhập quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, Thành phố đã triển khai thực hiện nhiều công việc, nhiệm vụ nhằm xây dựng các yếu tố nền tảng, tạo nên hệ sinh thái khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, như xây dựng chính quyền điện tử (Quyết định số 4250/QĐ-UBND, ngày 28-9-2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, “Về phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử”), thành phố thông minh (Quyết định số 6179/QĐ-UBND, ngày 23-11-2017, của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, “Về phê duyệt Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”) và đặc biệt chú trọng thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, coi đây là giải pháp chủ đạo phát triển kinh tế tuần hoàn. Cụ thể:
Thành phố ban hành nhiều chính sách, tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất, hỗ trợ đào tạo, tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ, tiếp cận nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khẳng định giá trị thương hiệu và phát triển bền vững. Thành phố Hồ Chí Minh đang trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cả nước. Tổng số các nhóm, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố năm 2020 khoảng 2.200 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 55% so với cả nước (khoảng 4.000 doanh nghiệp). Tổng đầu tư cho khoa học - công nghệ giai đoạn 2016 - 2018 (bao gồm đầu tư từ ngân sách và ngoài ngân sách) đạt 31.058 tỷ đồng, đạt bình quân 10.353 tỷ đồng/năm, gấp 3,47 lần so với năm 2015.
Đầu tư và khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học, Khu Công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung. Giá trị xuất khẩu của Khu Công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 70 tỷ USD, tăng hơn 5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao ngày càng tăng, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 123,36 triệu USD, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 819,47 triệu USD, tăng 6,6 lần.
Từ năm 2018, Thành phố đã triển khai đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh (gồm Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức) để hình thành trung tâm động lực tăng trưởng mới cho Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 (nay là thành phố Thủ Đức theo mô hình thành phố trong thành phố). Thành phố Thủ Đức có diện tích 21.000ha (chiếm 11% diện tích Thành phố), gần 1 triệu dân (bằng 11% dân số Thành phố), có Khu công nghệ cao (tổng đầu tư trên 7 tỷ USD, xuất khẩu 8 tỷ USD/năm), 4 khu công nghiệp, khu chế xuất; có Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và 5 đại học khác với 100.000 sinh viên và gần 2.000 tiến sĩ… Đây là nơi có mật độ công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao lớn nhất Thành phố, tỷ lệ sinh viên và tiềm năng nghiên cứu khoa học đại học lớn nhất cả nước, trong tương lai có thể đóng góp 30% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh.
Thị trường khoa học - công nghệ của Thành phố phát triển đã thu hút và thúc đẩy đầu tư từ các doanh nghiệp cho mục tiêu đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển, hợp lý hóa sản xuất, đổi mới sáng tạo. Thành phố triển khai Đề án thử nghiệm Sàn Giao dịch công nghệ nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kết nối cung cầu công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nghiên cứu, doanh nghiệp tìm được cơ hội, đối tác hợp tác. Các tổ chức dịch vụ, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ; các tổ chức xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ cũng được tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động. Đến nay, Thành phố có trên 190 đơn vị đang thực hiện các hoạt động dịch vụ trung gian khoa học - công nghệ. Hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ luôn được chú trọng, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư hiệu quả hơn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, số đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của các chủ thể trên địa bàn thành phố ước đạt trung bình 14.714 đơn/năm, tăng 1,3 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 (trung bình 11.384 đơn/năm). Hằng năm, trung bình Thành phố có khoảng 224 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích, trong đó số bằng độc quyền được cấp trung bình khoảng 75 bằng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, giá trị mang lại từ việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các tổ chức khoa học - công nghệ công lập và một số trường đại học thuộc khối kỹ thuật - công nghệ trên địa bàn thành phố ước đạt 1.690 tỷ đồng.
Để thúc đẩy nghiên cứu và áp dụng kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã được thành lập. Viện là một trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao giải pháp khoa học - công nghệ, chính sách trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trên nền tảng một hệ sinh thái doanh nghiệp - Chính phủ - đại học, giữ vai trò kết nối nền kinh tế tuần hoàn của thế giới với Việt Nam và ngược lại… Viện triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phục vụ nhu cầu và xu hướng phát triển bền vững của các doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ về kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Viện cũng thực hiện các báo cáo khoa học và công bố quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tuầ n hoàn cho các nhóm đối tượng khác nhau… 
Xin ông cho biết các giải pháp tích cực, chủ động của Thành phố đã tạo lập được môi trường thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn?
TS Lê Bá Chí Nhân: Các giải pháp tích cực, chủ động của Thành phố đã tạo lập được môi trường thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn là một trong 12 chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025.
Triển khai thực hiện Nghị quyết, Thành phố cần ban hành đề án chuyên đề về hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn, trong đó xác định mục tiêu là bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế truyền thống; bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn; khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số. Trong đó, cần tích hợp cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, hạn chế chất thải; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế tuần hoàn thông qua các công cụ quản lý nhà nước như tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất - kinh doanh, vốn, thuế, phí,… Có lộ trình thực hiện với định hướng ưu tiên cho mỗi giai đoạn. Trước mắt, có thể tập trung vào lĩnh vực phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt; sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, nông nghiệp công nghệ cao,… Căn cứ vào trình độ phát triển, năng lực khoa học - công nghệ từng bước mở rộng ra các ngành, lĩnh vực khác.
Trong thực hiện đề án, cần có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho mỗi ngành, mỗi cấp, từ công tác quản lý nhà nước đến công tác thanh tra, kiểm tra; có cơ quan chịu trách nhiệm chính và phối hợp, cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong xử lý công việc.
Kinh tế tuần hoàn là một trong những mô hình kinh doanh mới, chưa định hình thể chế kinh doanh ở phạm vi cả nước. Tuy nhiên, với tư cách là trung tâm kinh tế lớn, năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước và trước xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn với những tác động tích cực mà nó mang lại, Thành phố Hồ Chí Minh cần đi đầu trong phát triển mô hình kinh tế này. Để làm được điều đó, phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Xin cám ơn ông!
Theo: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam