UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt Kế hoạch Khuyến công địa phương và Xúc tiến thương mại năm 2024 với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng; trong đó, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến công gần 2,1 tỷ đồng, kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại hơn 3,4 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của cơ sở và doanh nghiệp.
Theo đó, năm 2024, Trà Vinh tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, nội dung hoạt động khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024 đến các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu các cán bộ phụ trách khuyến công tích cực và chủ động trong việc tiếp cận các cơ sở công nghiệp nông thôn, nắm bắt nhu cầu thực tế, nguyện vọng để tư vấn và hỗ trợ các cơ sở tiếp cận nguồn vốn từ chính sách khuyến công; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm chủ lực của tỉnh... phù hợp với tiềm năng, lợi thế, khai thác thế mạnh của địa phương.
Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Trà Vinh nghiệm thu thiết bị máy móc hỗ trợ hộ kinh doanh Vĩnh Xương (Khóm 2, Phường 3, thành phố Trà Vinh) năm 2023. (Ảnh: Báo Trà Vinh)
Ở lĩnh vực khuyến công, tỉnh tổ chức 2 lớp truyền nghề cho 50 học viên, trong đó tập trung hỗ trợ cho lao động tại các cơ sở sản xuất, gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đan đát; tổ chức 1 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp cho các doanh nghiệp các hộ kinh doanh, các hộ có ý tưởng thành lập doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý điều hành cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Trà Vinh hỗ trợ 13 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị chuyển giao công nghệ và sản xuất; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, thuê tư vấn, trợ giúp thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng hoạt động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, như in tờ rơi tuyên truyền về sản xuất sạch hơn, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho cán bộ phụ trách kỹ thuật, cán bộ quản lý tại cơ sở, doanh nghiệp.
Ở lĩnh vực xúc tiến thương mại, Trà Vinh đề ra kế hoạch xây dựng và in 1.000 quyển ấn phẩm tuyên truyền các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP cấp tỉnh; tham gia 9 hội chợ ngoài tỉnh nhằm giới thiệu tiềm năng của địa phương; tham gia 1 điểm trưng bày giới thiệu và bán hàng tại Miền Trung, Tây Nguyên để giới thiệu sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản, chủ lực của tỉnh.
Năm 2024, tỉnh sẽ tham gia 10 cuộc hội nghị kết nối cung cầu tìm kiếm thị trường, mỗi cuộc tổ chức tối đa 3 ngành hàng; tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Đây là cơ hội để cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tiếp cận với thị trường nông thôn, từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín thương hiệu hàng hóa.
Trà Vinh cũng tổ chức 1 chương trình chợ khởi nghiệp để giúp đơn vị, cá nhân có sản phẩm khởi nghiệp tiềm năng phát triển, mở rộng quy mô và thuận tiện đưa sản phẩm ra thị trường; có cơ hội giới thiệu, hợp tác với các tổ chức, nhà đầu tư, tìm kiếm cơ hội và nguồn vốn... Đồng thời, tổ chức 1 chương trình tôn vinh sản phẩm - dịch vụ tỉnh Trà Vinh đạt chất lượng tốt được người tiêu dùng ưa thích 2024.
Cùng với đó, tỉnh Trà Vinh hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại trong môi trường trực tuyến; hỗ trợ 3 cơ sở, doanh nghiệp có các sản phẩm chủ lực đạt OCOP 4 hoặc 5 sao tham gia giao dịch sàn giao dịch nước ngoài; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng kinh doanh cho các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn tỉnh....
Để hoàn thành các nội dung trên, tỉnh Trà Vinh đã đưa ra các giải pháp thực hiện như:
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, nội dung hoạt động khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Kế hoạch năm 2024 đến các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh;
- Các cán bộ phụ trách khuyến công cần tích cực và chủ động trong việc tiếp cận các cơ sở công nghiệp nông thôn, nắm bắt nhu cầu thực tế, nguyện vọng để tư vấn và hỗ trợ các cơ sở tiếp cận nguồn vốn từ chính sách khuyến công.
- Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm chủ lực của tỉnh… phù hợp với tiềm năng, lợi thế, khai thác thế mạnh của địa phương./.
Ông Huỳnh Ngọc Xuân, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2023, UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt kế hoạch thực hiện các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Các chương trình, đề án khuyến công trên địa bàn đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp cho doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, ứng dụng các thiết bị, máy móc hiện đại vào phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường. Qua chương trình góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, các chương trình xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chủ lực, OCOP của tỉnh. |
Anh Thư