Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 11:31 GMT+7

Tin hoạt động

Trà Vinh đầu tư gần 2,5 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công

18/01/2017

Cụ thể, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp dành 200 triệu đồng hỗ trợ Công ty TNHH MTV Xây dựng (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạch không nung; số tiền còn lại Trung tâm sẽ hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước.

Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương hơn 1,2 tỷ đồng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thực hiện 13 đề án. Trong đó, 7 đề án hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong sản xuất, chế biến thực phẩm và các ngành tiểu thủ công nghiệp với tổng số tiền 720 triệu đồng nhằm giúp các cơ sở nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh; dành gần 48 triệu đồng hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh sản xuất sạch hơn. Số tiền còn lại, Trung tâm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp; hoạt động thông tin tuyên truyền…

Ông Nguyễn Thế Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh cho biết, ngoài nguồn vốn khuyến công của Trung ương và của tỉnh, Trung tâm sẽ tranh thủ các nguồn lực từ dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh, dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng quy mô, phát triển sản xuất và kinh doanh theo hướng bền vững.

Năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh đã đầu tư gần 1,4 tỷ đồng để thực hiện nhiều hoạt động khuyến công, như hỗ trợ 6 cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào các khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ gồm: Doanh nghiệp tư nhân chả cá chiên Làng cá, các hộ kinh doanh Phan Chí Hiếu, Hồng Hạnh, Trần Thị Phướng, Thạch Mỹ và Trầm Văn Dũng.

Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ các cơ sở sản xuất tại làng nghề sản xuất sạch hơn. Tổ chức 10 lớp truyền nghề cho 260 lao động nông thôn; chủ yếu là lao động nữ và lao động người dân tộc Khmer. 100% lao động sau đào tạo có việc làm với mức lương từ 1,5-1,8 triệu đồng/người/tháng. Nhờ có việc làm tại chỗ đã hạn chế được tình trạng lao động nông thôn di cư tìm việc làm ngoài tỉnh.