Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 20:44 GMT+7

Tin hoạt động

Tiêu dùng xanh - Phát triển bền vững hướng tới Net Zero 2050

02/01/2024

Ngày 29/12, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng Công ty Cổ phần Đại Việt Hương tổ chức hội thảo Tiêu dùng xanh - Phát triển bền vững, hướng tới Net Zero 2050, tại TP Hồ Chí Minh với sự góp mặt của nhiều chuyên gia ngành Môi trường.
Phát biểu mở đầu hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường cho biết, tại Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, tiêu dùng xanh đang được nhắc đến rất nhiều khi mà việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe được người dân hết sức chú trọng.
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, có khá nhiều văn bản thể hiện Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai các hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999); các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999)...
"Đặc biệt, Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu", PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA - Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Môi trường và Đô thị)
Hội thảo "Tiêu dùng xanh - Phát triển bền vững, hướng tới Net Zero 2050" là nơi để các chuyên gia, khách mời trao đổi về nhiều nội dung, như: Ngành sản xuất tiêu dùng chuyển mình theo hướng xanh: Thực trạng và giải pháp bắt buộc; Tiêu dùng xanh nhìn từ các chính sách, quy định hiện hành tại Việt Nam; Tiêu dùng xanh để hướng đến Net Zero 2050; Tiêu dùng xanh, xu hướng tất yếu trên thế giới; Xây dựng chuỗi giá trị xanh phi phát thải như là cốt lõi của mô hình kinh doanh bền vững… từ đó đưa ra các giải pháp để phát triển ngành này tại Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ buổi Hội thảo, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam - Ủy viên chuyên trách Hội Đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ, ở các xã hội phương Tây, tiêu dùng xanh xuất hiện trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, với nhận thức ngày càng tăng về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường và sức khỏe con người khỏi những tác động do ô nhiễm công nghiệp và tăng trưởng kinh tế và dân số gây ra.
Những năm 1980, những thương hiệu “xanh” đầu tiên của Mỹ bắt đầu xuất hiện và bùng nổ trên thị trường Mỹ. Trong những năm 1990, sản phẩm xanh tăng trưởng chậm và vẫn chỉ là một hiện tượng nhỏ. Sự quan tâm của người Mỹ đối với các sản phẩm xanh bắt đầu tăng trở lại vào đầu những năm 2000 và tiếp tục tăng”.
Và theo nhiều nghiên cứu, thuật ngữ “tiêu dùng xanh” xuất hiện lần đầu ở các nước phát triển sớm, nhanh, mạnh, tốc độ cao như Mỹ và các nước Tây Âu. Khi đó, các nhà khoa học nhìn ra các hậu quả, thiệt hại môi trường do chính quá trình phát triển gây nên.
Do đó, các nhà nghiên cứu chuyển sang một cách tiếp cận mới, khác trước, đó là tiếp cận quá trình tiêu dùng, người tiêu dùng để tìm cách giảm thiểu tác động có hại đến sức khỏe con người, đến sức khỏe hệ sinh thái hay nói chung là tác hại đến môi trường.
Và hiện nay không chỉ tiêu dùng mà hàng loạt hoạt động, hàng hóa có thêm bổ ngữ “xanh” đi kèm như giao thông xanh, sản xuất xanh, năng lượng xanh, thực phẩm xanh,…đều có cùng nội hàm vì môi trường, bảo vệ môi trường.
“Bức tranh về chủ đề tiêu dùng xanh là rất rộng. Chung quy tiêu dùng xanh là lựa chọn được những sản phẩm an toàn với con người, thân thiện với môi trường. Nhưng làm sao để đạt được điều đó thì chủ để tiêu dùng xanh cần phải được quan tâm, xem xét, nghiên cứu nhiều hơn nữa” - GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phát biểu tham luận (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)
Còn theo Luật sư Trương Anh Tú, Phó trưởng VPĐD Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tại khu vực phía Nam, việc hiện thực hoá tiêu dùng xanh, áp dụng vào thực tiễn đời sống còn đối diện với nhiều thách thức. Trong đó, hai thách thức lớn nhất đối với tiêu dùng xanh là vấn đề giá sản phẩm hàng hoá, dịch vụ và thói quen tiêu dùng.
Lý giải, Luật sư Trương Anh Tú cho biết, hiện tại các sản phẩm tiêu dùng xanh trên thị trường giá cao hơn các sản phẩm khác từ 20 - 40%; cùng với đó, người tiêu dùng Việt Nam đã quen với những sản phẩm, hàng hoá mang tính nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm và có thể sử dụng được lâu dài, sử dụng nhiều lần như túi nilon, chai nhựa (plastic) thay vì các sản phẩm có công dụng tương tự như lá, giấy, tre nứa, các sản phẩm từ gỗ…
Luật sư Trương Anh Tú, Phó trưởng VPĐD Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nêu lên các khó khăn trong việc phát triển tiêu dùng xanh tại Việt Nam (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)
Về giải pháp, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật nhằm đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng; đồng thời, huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, chú trọng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và chi thường xuyên cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về tăng trưởng xanh...Luật sư Trương Anh tú chia sẻ.
Cùng với đó, Việt nam cũng cần xây dựng, hoàn thiện và áp dụng nghiêm túc, triệt để các công cụ chính sách tài chính ưu đãi, các chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh; sử dụng các công cụ thuế phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường.
Đồng thời, cần truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Phổ biến các thực hành tốt và hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh, hài hòa vốn thiên nhiên, gắn kết với các giá trị truyền thống
Khánh An