Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:49 GMT+7

Sản xuất bền vững

Đề xuất giải pháp sản xuất sạch hơn trong ngành sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng

03/01/2024

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thực hiện kế hoạch của mình, Trung tâm Xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp Bình Dương (Sở Công thương) đã khảo sát và thu thập số liệu về quy trình sản xuất của Công ty Thành Thái để đề xuất các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH).
Chú trọng sản xuất bền vững
Theo ông Trần Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Thành Thái thành lập năm 2002, tại phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một với ngành nghề chính là sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng phục vụ sản xuất các đồ gỗ xuất khẩu thị trường châu Âu, Mỹ.… “Với sự phát triển bền vững và ổn định, công ty còn đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu, gia tăng thị phần trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu về việc cung cấp các sản phẩm ván ép, ván lạng... cho sản xuất các phẩm gỗ trong nước. Công ty đang hướng tới quy trình sản xuất xanh dựa trên nền tảng cải tiến kỹ thuật, tổ chức sản xuất và quản lý hiệu quả”, ông Trần Văn Phước cho biết.
Sản xuất tại Công ty TNHH Thành Thái (TP.Thủ Dầu Một)
Nhằm hỗ trợ DN thực hiện kế hoạch của mình, Trung tâm Xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp đã khảo sát và thu thập số liệu về quy trình sản xuất của Công ty Thành Thái để đề xuất các giải pháp SXSH.
Nhóm đánh giá SXSH xác định nguyên liệu của quá trình sản xuất là gỗ nguyên liệu được thu mua trong nước là gỗ cao su và nhập từ nước ngoài gỗ thông, được bảo quản trong bể nước. Sau đó gỗ được xử lý bằng nước nóng được gia nhiệt bằng nước ngưng lò hơi từ hệ thống sấy. Các sản phẩm gỗ sau khi lạng sẽ được cho vào hệ thống sấy khí nóng băng tải. Không khí được gia nhiệt gián tiếp bằng hơi nước, sau đó nước ngưng được đưa về hệ thống các bể luộc gỗ. Ván lạng sau khi sấy được xử lý lỗi, may, ghép và cắt thành các kích thước theo yêu cầu.
Quá trình sản xuất có phát sinh bụi gỗ, ván thừa, đầu mẫu, dăm bào, mùn cưa. Đối với bụi gỗ được công ty thu gom và xử lý bằng hệ thống xử lý bụi gỗ. Ván thừa và đầu mẫu được lưu chứa trong kho chứa chất thải công nghiệp để tận dụng đốt lò hơi.
Công ty bố trí các chụp hút bụi trực tiếp tại các máy cắt, máy mài, máy chà nhám đứng, sau đó đưa qua hệ thống lọc túi vải để xử lý bụi gỗ phát sinh. Riêng đối với máy chà nhám tay với tần suất sử dụng thấp, lượng bụi gỗ phát sinh khá ít nên công ty không thu gom và xử lý. Hơi keo phát sinh từ quá trình lăn keo và ghép ván của công ty hiện tại được phát tán tự nhiên. Khí thải phát sinh từ quá trình đốt lò hơi (nhiên liệu đốt là ván thừa, mùn cưa, dăm bào và gỗ mua thêm từ bên ngoài) được công ty lắp đặt xyclon thu bụi, sau đó cho phát tán qua ống khói Ø30mm, cao 14m.
Điện sử dụng tại công ty chủ yếu phục vụ cho hệ thống chiếu sáng, vận hành máy móc thiết bị trong nhà xưởng. Thời gian qua nhà máy chỉ tiến hành sản xuất 1 ca, do vậy lượng điện tiêu thụ trung bình khoảng 38.972 - 45.732 kWh/tháng (tùy thuộc vào lượng đơn hàng sản xuất). Nguồn nước sử dụng là nước ngầm và nước thủy cục.
Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy tỷ lệ ván vụn, dăm bào, mùn cưa của quá trình cắt thành phẩm khá cao, tùy thuộc vào sản phẩm có thể lên tới hơn 40 - 50%. Tất cả các chất thải này được công ty thu hồi năng lượng để phục vụ cho lò hơi để cấp nhiệt cho hệ thống sấy. Điều này do đặc thù của quá trình sản xuất, chủng loại sản phẩm thường xuyên thay đổi với kích thước và hình dáng khác nhau.
Hiện tại công ty đã có các khẩu hiệu phát động an toàn sản xuất, thực hành 5S, góp phần giúp công ty tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động. Nhân viên của các dây chuyền sản xuất được hướng dẩn thu dọn rác và chất thải rắn để đúng nơi quy định, bảo đảm nhà xưởng, văn phòng luôn được sạch sẽ. Công ty thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị sản xuất đúng lịch bảo trì bảo dưỡng. Về phòng ngừa cháy nổ, nhà xưởng của công ty đã có các hệ thống nước cho phòng cháy chữa cháy. Trong nhà xưởng có không gian thông thoáng, rộng rãi có lối đi được kẻ vạch rõ ràng, nhân viên được đào tạo bài bảng về công tác phòng chống cháy nổ.
Giải pháp theo hướng kinh tế tuần hoàn
Trên cơ sở khảo sát, phân tích, tính toán phát thải môi trường, nhóm đánh giá tổng thể SXSH đã hình thành các giải pháp tích hợp từ bao gồm quản lý nội vi đến cải tiến máy móc thiết bị. Nhóm thực hiện đánh giá SXSH của nhà máy kiến nghị ban giám đốc Công ty Thành Thái sớm thực hiện các giải pháp đã đề xuất như trên, đồng thời chú trọng triển khai 3 giải pháp theo hướng kinh tế tuần hoàn cho nhà máy hiện hữu hoặc nhà máy ở vị trí mới là sản xuất sản phẩm phụ từ tro lò hơi. Luộc gỗ bằng công nghệ gia nhiệt gián tiếp từ hơi nước, tuần hoàn toàn bộ nước ngưng về lò hơi. Áp dụng công nghệ sấy khô gỗ lạng bằng bơm khử ẩm.
Nhóm đánh giá cũng đề xuất với những nội dung công việc đã xác định và phân tích, trong thời gian tới, công ty cần tổ chức thực hiện giảm lãng phí nguyên vật liệu tối ưu thiết kế ván lạng sao cho hạn chế tỷ lệ ván vụn. Sản xuất sản phẩm phụ theo định hướng kinh tế tuần hoàn như thu hồi tro, bụi gỗ để sản xuất sản phẩm phụ. Ngăn ngừa lãng phí nhiệt bằng giải pháp bảo ôn hệ thống đường ống, bề mặt có nhiệt độ cao. Lắp đặt hệ thống đồng hồ đo điện, hơi nước... đến từng bộ phận để phục vụ kiểm soát quá trình sản xuất.
Với các giải pháp đầu tư chi phí thấp hoặc không tốn chi phí đã phân tích, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới của công ty là duy trì đội SXSH. Tập huấn nâng cao nhận thức cán bộ, công nhân viên toàn công ty về sử dụng nguyên liệu tiết kiệm, hiệu quả; triển khai các giải pháp quản lý nội vi.
Các giải pháp quản lý nội vi hoặc cải tiến chi phí thấp được đề xuất với công ty đều có thể thực hiện ngay với chi phí thực hiện cực thấp nhưng sẽ mang lại những lợi ích thiết thực nhanh chóng, như cải tạo cảnh quan nhà xưởng, hạn chế phát thải, tiết kiệm nguyên vật liệu. Các giải pháp cần thực hiện là lắp đặt hệ thống bảo ôn đường ống, lò hơi, lắp đặt tôn lấy sáng tự nhiên, chứa tro trong khu vực có mái che, gắn các khẩu hiệu tuyên truyền 5S, động viên khen thưởng tổ chức công việc SXSH trong tương lai của công ty.
Theo: Báo Bình Dương