Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:57 GMT+7

Sản xuất bền vững

Điểm nhấn trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ

26/04/2022

Theo Quyết định 327/QĐ-TTg được ban hành mới đây, ngành công nghiệp chế biến gỗ được định hướng đa dạng hóa và gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 327/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Đề án đặt mục tiêu đạt 20 tỷ USD giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD vào năm 2030, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD. Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030.

Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Tập trung phát triển hệ thống hạ tầng

Để đạt các mục tiêu này, Đề án đặt ra nhiệm vụ phát triển hệ thống hạ tầng và mở rộng quy mô sản xuất nói chung của ngành. Trong đó đặt nhiệm vụ hình thành năm khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư vào chế biến gỗ và sản xuất vật liệu phụ trợ; xây dựng một trung tâm triển lãm quốc gia về sản phẩm ngành. 

Bên cạnh đó, đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa phương có tiềm năng; đặt yêu cầu thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên - nhiên vật liệu và thân thiện môi trường. Đồng thời, Đề án nêu rõ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng tạo nguyên liệu phụ trợ thân thiện môi trường; ưu tiên phát triển dịch vụ logistic; và khuyến khích phát triển trung tâm nghiên cứu.

Đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường

Đề án nêu rõ các nhiệm vụ phát triển nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng. Các nhóm sản phẩm chính ưu tiên sản xuất, chế biến bao gồm đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, gỗ ván nhân tạo, gỗ kết hợp vật liệu khác, gỗ mỹ nghệ và cả nhóm sản phẩm mới hướng đến gia tăng tuần hoàn vật liệu là viên nén gỗ và dăm gỗ. 

Về thị trường, Đề án khẳng định tiếp tục duy trì, mở rộng thị phần vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và tăng cường mở rộng ra các thị trường mới có tiềm năng. 

Tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); xây dựng và phát triển thương hiệu “Gỗ Việt”, nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời tăng cường thông tin thương mại, xây dựng cơ sở dữ liệu trên các thị trường xuất khẩu chính và tăng cường quảng bá tại các thị trường tiềm năng; tháo gỡ các rào cản thương mại và phòng chống gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. 

Các nhóm giải pháp

Các nhóm giải pháp chính được đề ra tập trung vào cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, phát triển nhân lực và nguyên liệu hợp pháp. Theo đó, Đề án nhấn mạnh xây dựng, vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, Luật Lâm nghiệp và hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại. 

Các giải pháp khoa học kỹ thuật tập trung vào ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa theo hướng gia tăng tuần hoàn vật liệu, tạo sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên-nhiên liệu. Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin ngành, thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, hỗ trợ liên kết hợp tác công nghệ và ứng dụng tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. 

Đề án đặt mục tiêu đào tạo, bổ sung thêm 100-150 nghìn lao động trong ngành. Bên cạnh đó đảm bảo 95% diện tích rừng trồng bằng giống tốt, có xuất xứ và hồ sơ quản lý. Khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp và chủ rừng; đặt mục tiêu rừng có chứng chỉ quản lý bền vững đạt 0,5 triệu ha vào năm 2025 và 1 triệu ha vào năm 2030. Thực hiện hiệu quả Đề án trồng 1 tỷ cây xanh.

Kinh phí thực hiện Đề án được sử dụng từ nguồn Ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ, viện trợ, huy động khác từ cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. 

Thanh Thanh