Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:36 GMT+7

Sản xuất bền vững

Bình Dương: Sản xuất sạch hơn trong ngành gỗ: Giải pháp để phát triển bền vững

08/11/2019

Sản xuất sạch hơn (SXSH) đang được áp dụng rộng rãi tại các nước trên thế giới, với mục đích cải tiến sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo ngành gỗ cần mạnh dạn áp dụng chương trình SXSH để nâng cao năng lực sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu tác động môi trường.
Dư địa còn rất lớn
Những năm gần đây, ngành chế biến gỗ của tỉnh phát triển với tốc độ nhanh, vươn lên trở thành ngành đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Bình Dương trở thành địa phương xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu của cả nước (chiếm 35 - 40%).
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.215 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, trong đó có 905 DN trong nước với tổng vốn đăng ký 10.839 tỷ đồng, 310 DN nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…
Với sự tiến bộ của kỹ thuật sản xuất chính xác CNC, kết hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot... đang mang lại cho DN nói chung, DN ngành gỗ nói riêng nhiều cơ hội cải tiến chất lượng sản phẩm, kiểm soát tốt tiến độ sản xuất, giảm lệ thuộc vào người lao động… Nếu định hướng phát triển tốt, hoạch định đầu tư hiệu quả, DN sẽ khai thác được các giá trị công nghệ mang lại, hướng đến phát triển bền vững.
Ông Lê Phước Vân, chuyên gia về ngành gỗ, cho rằng các DN gỗ cần tìm giải pháp để phát triển DN theo hướng bền vững. Thời gian qua, để tìm kiếm lợi nhuận, các DN thường tập trung vào việc tìm kiếm đơn hàng nhằm tăng doanh thu mà quên tập trung vào khâu quản lý sản xuất. Song song đó, có nhiều nhà đầu tư tập trung đổi mới thiết bị công nghệ làm tăng năng suất cục bộ nhưng năng suất tổng của nhà máy vẫn không đạt như mong đợi.
Trên thực tế, tại nhiều DN, phân xưởng, trong quá trình sản xuất và chế biến công tác quản lý sản xuất vẫn còn nhiều điểm bất cập. Cụ thể như việc thiết kế các dây chuyền sản xuất chưa theo nguyên tắc một chiều; cách sắp xếp các kho nguyên liệu, thành phẩm và phụ, phế phẩm chưa hợp lý; cách tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập… Chính vì vậy, dư địa để áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn trong các DN ngành gỗ còn rất lớn.
Hướng đi tất yếu
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương), SXSH đang trở thành giải pháp mang tính hệ thống và chiến lược cho sự phát triển bền vững trong phát triển công nghiệp. Ngoài việc nâng cao hiệu quả sản xuất, SXSH còn là giải pháp hữu hiệu trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động và đưa ngành công nghiệp phát triển bền vững.
Những năm qua, bằng nguồn ngân sách địa phương, trung tâm đã từng bước thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực áp dụng SXSH cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý tại các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Với ngành gỗ, nếu áp dụng SXSH sẽ giảm thiểu chi phí sản xuất từ 10 - 15%, tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững hơn. Trong năm 2019, trung tâm khảo sát, thu thập thông tin số liệu, đánh giá sơ bộ việc bố trí sắp xếp giữa các khu vực sản xuất, sử dụng năng lượng mặt trời… giúp các cơ sở hướng đến SXSH.
Ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, cho rằng áp dụng giải pháp SXSH là hướng đi đúng của các DN ngành gỗ trong cơ chế hiện nay. SXSH không chỉ giúp tránh được các tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe con người mà còn mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho DN, đó là tiết kiệm chi phí sản xuất thông qua giảm lãng phí năng lượng, nguyên vật liệu và hóa chất phụ gia; nâng cao hiệu suất hoạt động của nhà máy, sự ổn định và chất lượng sản phẩm... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất toàn ngành.
“Chương trình hành động áp dụng SXSH trong công nghiệp đang góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN; tạo được lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường. Để đẩy mạnh việc áp dụng SXSH trong công nghiệp chế biến gỗ, trong thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các DN đánh giá áp dụng SXSH trong hoạt động sản xuất chế biến tại đơn vị”, ông Dũng nói.
Nguồn: Báo Bình Dương