Sáng 8/12 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Xu Hướng định hình tương lai xanh.
Hội thảo do Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý đến từ các bộ, ngành, Viện nghiên cứu, trường đại học tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Tạ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và gây tác động không tốt đến môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới trong chuyển dịch năng lượng.
PGS.TS Tạ Minh Tuấn phát biểu tại hội thảo
Tại hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) Việt Nam đã cam kết mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 trong khi nhiều quốc gia phát triển hơn cam kết mục tiêu này vào thời điểm muộn hơn. Để thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách chuyển dịch năng lượng, trong đó có xu hướng chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo và nghiên cứu các công nghệ mới.
“Các chính sách này góp phần vào nỗ lực chung của toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, quá trình này góp phần vào bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững của ngành điện trong tương lai. Thêm vào đó, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo việc làm xanh” - PGS.TS Tạ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Hiện tình hình thế giới và khu vực hiện nay chứng kiến nhiều bất ổn và diễn biến khó lường, khó đoán định, khi nền kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi sau cú sốc đại dịch Covid-19 chưa được bao nhiêu, tình hình chiến tranh Nga - Ukraine và xung đột ở khu vực Trung Đông làm ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung năng lượng và an ninh năng lượng toàn cầu.
Theo PGS.TS Tạ Minh Tuấn, hiện có hai xu hướng của bối cảnh mới lại có thể nhận thấy rất rõ, đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Những xu hướng này trên thực tế đã trở nên khách quan mà Việt Nam không thể đứng ngoài.`
Các chuyên gia cho rằng chuyển đổi xanh trước tiên phải chú ý đến ngành năng lượng
Ở Việt Nam, ngành năng lượng là ngành phát thải nhiều nhất trong nền kinh tế. Năm 2020 ngành này đã thải ra 347,5 triệu tấn CO2 tương đương (chiếm 66,3% tổng lượng phát thải của nền kinh tế). Do vậy, chuyển đổi xanh ở Việt Nam bắt buộc trước tiên phải chú ý đến ngành năng lượng.
Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, đã đưa ra những định hướng về chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững: “Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia”. "Đây là định hướng toàn diện, tổng thể đối với việc chuyển đổi ngành năng lượng để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 500/QĐ-Ttg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải" - PGS.TS Tạ Minh Tuấn khẳng định.
Trong năm 2023, Việt Nam cũng đã công bố Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, trong đó ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Quy hoạch xác định nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỉ lệ 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố JETP (tức là có sự hỗ trợ bên ngoài) mục tiêu tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo đạt 47%.
Định hướng đến năm 2050 tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050. Quy hoạch cũng đưa ra lộ trình kêu gọi chuyển đổi không sử dụng than gây ô nhiễm nặng và cam kết không mở thêm nhà máy nhiệt điện đốt than kể từ sau năm 2030. Các nhà máy than vận hành 20 năm sẽ chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac, và vận hành trên 40 năm sẽ dừng hoạt động nếu không chuyển đổi..
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo các chuyên gia đã tập trung làm rõ hơn mục tiêu, lộ trình, các bước cụ thể trên chặng đường đi đến phát thải ròng bằng 0 của ngành Năng lượng Việt Nam đến năm 2050.
Đồng thời, đánh giá tiềm năng, cơ hội, thách thức của Việt Nam trong quá trình thực hiện Tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) (bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Đan Mạch và Na Uy) khi nhóm IPG đã thông qua kế hoạch huy động nguồn lực 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Các chuyên gia cùng chung quan điểm việc thực hiện Quy hoạch điện VIII cần được tích hợp vào các chính sách khác nhau để đảm bảo giải quyết các điểm nghẽn liên quan tới truyền tải điện, các giải pháp đạt mục tiêu về cường độ phát thải, tiêu hao năng lượng trên GDP, đồng thời, chỉ ra các công cụ pháp lý mới để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư lớn trong dài hạn.
Đặc biệt, tìm ra các biện pháp để khơi thông nguồn vốn và dòng tín dụng cho các dự án thân thiện môi trường, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan. Cụ thể là làm rõ tiêu chí dự án xanh và việc xác nhận đối với dự án này để được cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ để hỗ trợ dự án xanh.
Theo: Báo Công Thương