Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh - Kinh nghiệm từ Đan Mạch tới Việt Nam
27/06/2022
Chuyển đổi năng lượng xanh đang trở thành vấn đề được quan tâm hơn bao giờ hết, không chỉ bởi năng lượng thiết yếu cho sự vận hành của xã hội, mà còn vì thách thức của biến đổi khí hậu khiến việc chuyển đổi xanh trở thành con đường duy nhất đến sự bền vững. Tuy nhiên, đặc điểm “khó chịu” của năng lượng tái tạo là tính không ổn định, chỉ hoạt động hiệu quả với những khung giờ nhất định, chi phí đầu tư cao.
Đan Mạch là một trong những quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. 67% năng lượng từ quốc gia Bắc Âu này đến từ năng lượng tái tạo, gần 50% được cung cấp từ nguồn điện gió (theo Cơ quan năng lượng Đan Mạch - DEA). Từ năm 2013, Đan Mạch và Việt Nam đã thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện. Từ đó, Đan Mạch luôn sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng sạch, giảm phát thải.
Trong bài viết này, ông Loui Algren Chuyên gia năng lượng Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (DEPP), đã có những trao đổi xung quanh vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, các bài học và kinh nghiệm của Đan Mạch có thể áp dụng tại Việt Nam, và một số hoạt động trong khuôn khổ chương trình DEPP nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này.
Ông Loui Algren, Chuyên gia năng lượng Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch.
Năng lượng tái tạo có “đủ tin cậy” để đầu tư?
Trả lời câu hỏi của phóng viên về mối nghi ngại của nhiều người về tính hiệu quả của các dự án năng lượng tái tạo khi nguồn năng lượng này mang yếu tố bất định, ông Loui đồng ý rằng đặc điểm này của năng lượng tái tạo khá “khó chịu”. Đây cũng là nguyên nhân khiến năng lượng tái tạo chưa được khai thác hết công suất trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, ông cho rằng yếu tố này có thể được khắc phục đáng kể với sự cải thiện năng lực dự báo và các công cụ hỗ trợ vận hành.
Chia sẻ về vấn đề chi phí đầu tư cho năng lượng tái tạo còn cao, đặc biệt với điện gió ngoài khơi, vị chuyên gia Đan Mạch cho rằng yếu tố này đang được cải thiện dần theo thời gian. “Các nguồn năng lượng tái tạo nói chung đã giảm đáng kể chi phí trong thời gian ngắn, điển hình như năng lượng mặt trời và điện gió trên bờ”, ông Loui dẫn chứng.
Bên cạnh đó, vì năng lượng tái tạo là không giới hạn, nên nó có thể coi là trụ cột để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao cho phát triển kinh tế. "Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 cho thấy ngay cả với kịch bản thông tính đến thuế carbon hay phát thải, nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời vẫn được dự báo sẽ tăng ít nhất gấp đôi trước năm 2030. Hiển nhiên là chi phí giảm và hiệu quả đầu tư sẽ tăng lên”, ông Loui nhận định.
Nhận định về mục tiêu đạt 7-8GW điện gió tới năm 2030 trong dự thảo Quy hoạch điện 8, chuyên gia Đan Mạch cho rằng đây là mục tiêu tham vọng nhưng khả thi.
So với điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi có ưu điểm là năng suất ổn định hơn, có thể đóng góp tốt cho tổng nguồn cung năng lượng. Để thúc đẩy ngành công nghiệp này, chuyên gia Đan Mạch cho rằng cần phát triển ngay những chính sách hỗ trợ và đơn giản hóa các quy trình thủ tục không cần thiết để giảm nhẹ gánh nặng thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Theo kinh nghiệm từ Đan Mạch, trung bình mất khoảng 8 năm để hoàn thành các công đoạn sẵn sàng cho việc vận hành một trang trại điện gió ngoài khơi, từ chuẩn bị đấu thầu, đánh giá môi trường, xây dựng, chạy thử, kết nối lên lưới… Do đó, các quyết định liên quan đến quy trình, thủ tục cần thực hiện nhanh chóng để đảm bảo tiến độ cho mục tiêu trên.
Kinh nghiệm của Đan Mạch tới Việt Nam
Đan Mạch đã khởi động ngành công nghiệp năng lượng tái tạo từ khoảng 50 năm trước. Hiện năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng gần 70% tổng cung năng lượng, riêng điện gió chiếm gần 50% tại đây. Để đạt đến vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực như hôm nay, Đan Mạch đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu, đào tạo, thử nghiệm, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến turbin gió.
Theo ông Loui, Việt Nam có thể tận dụng các kinh nghiệm này để phát triển công nghiệp điện gió ngoài khơi. Trong đó, vai trò của việc xây dựng nhân lực và đào tạo hệ thống là rất quan trọng để đảm bảo sự hoạt động và phát triển bền vững của ngành.
Tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm gần 70% tổng cung năng lượng, riêng điện gió chiếm gần 50% tại Đan Mạch.
Về khía cạnh thị trường, ông Loui cho biết từ kinh nghiệm của Đan Mạch cho thấy việc xây dựng một sân chơi công bằng, khuyến khích sự tham gia của tất cả các nhà cung cấp tiềm năng là rất quan trọng để hình thành một thị trường điện cạnh tranh. “Điều này sẽ giúp giảm chi phí năng lượng và quyết định khả năng vận hành của hệ thống trong thị trường”, ông Loui khẳng định.
Một yếu tố khác đóng góp vào sự phát triển của ngành là thị trường phụ trợ. Theo kinh nghiệm từ Đan Mạch thì một thị trường dịch vụ phụ trợ tốt sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí cung cấp dịch vụ năng lượng nói chung. Nhận định về quy mô thị trường phụ trợ Việt Nam, chuyên gia cho rằng hiện mới chỉ phát triển ở mức độ nhất định trong một số phân ngành hẹp, và cần thêm các dịch vụ phụ trợ trong những phân ngành khác.
Bài học khác từ Đan Mạch là quá trình chuyển từ cơ chế giá cố định (FIT) tới đấu thầu cạnh tranh. Việc chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh đã tăng đáng kể hiệu quả chi phí của các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng cần có sự cân nhắc tính toán cẩn thận trong việc chuyển đổi cơ chế chính sách. Thậm chí ngay tại Đan Mạch, nơi thị trường điện gió ngoài khơi đã tương đối phát triển, thì các nguyên tắc đấu thầu vẫn liên tục được điều chỉnh để hoàn thiện hơn. Việt Nam cũng có thể học được nhiều điều từ quá trình này.
Ông Loui cũng lưu ý rằng gói đấu thầu điện gió ngoài khơi mới nhất vào năm 2021 tại Đan Mạch có kết quả là giá thầu bằng 0, thậm chí là hơi "âm". Điều này có nghĩa là đơn vị trúng thầu không được nhận trợ cấp, mà thay vào đó phải trả một khoản cho Chính phủ Đan Mạch. Đây là một cột mốc đánh lưu ý, chứng minh khả năng cạnh tranh của năng lượng gió ngoài khơi trong thị trường năng lượng Đan Mạch hiện nay và của thế giới trong tương lai.
Chuẩn bị cho thị trường điện cạnh tranh
Việt Nam xây dựng mục tiêu năm 2025 sẽ có thị trường điện cạnh tranh. Để chuẩn bị cho mục tiêu này cần sự chuẩn bị từ nhiều phía.
Hai yếu tố kỹ thuật quan trọng được nhắc đến là khả năng dự báo chính xác các nguồn cung năng lượng và năng lực truyền tải của hệ thống điện. “Với bất cứ nguồn năng lượng nào, mặt trời, gió, biomass… và kịch bản nào thì vai trò của hệ thống truyền tải cũng rất quan trọng”, vị chuyên gia khẳng định.
Đặc điểm của hệ thống truyền tải điện Việt Nam là trải dài theo chiều dọc. Năng lượng tái tạo chủ yếu tập trung ở miền Nam, trong khi nhu cầu tại miền Bắc tương đối cao. Do đó yêu cầu một giải pháp nâng cao năng lực truyền tải liên miền nhằm chia sẻ công suất dư thừa, đảm bảo an toàn, độ ổn định và hiệu quả kinh tế của hệ thống truyền tải quốc gia. Trong vấn đề này, công nghệ đường truyền siêu cao áp một chiều (HVDC) được nhắc tới nhiều lần.
Ông Loui chia sẻ, trong khuôn khổ Chương trình DEPP, Đan Mạch đang làm việc rất sát với các đối tác Việt Nam nhằm nâng cao năng lực dự báo, cũng như năng lực vận hành hệ thống truyền tải theo yêu cầu mới, để sẵn sàng cho thị trường điện cạnh tranh.
Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam trong nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh. Ảnh: Lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021, một hoạt động thuộc khuôn khổ Chương trình DEPP.
Vấn đề tiếp theo được đề cập là chính sách ưu đãi nhằm phát triển thị trường bán buôn linh hoạt có thể hỗ trợ cân đối khi nguồn cung lên xuống, đồng thời đảm bảo duy trì tối đa nguồn cung có thể trong thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường dịch vụ phụ trợ cũng sẽ đóng góp phần giữ sự ổn định cho thị trường năng lượng tái tạo. Theo kinh nghiệm của các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ thì giai đoạn đầu cần một chính sách ưu đãi để khuyến khích các nhà cung ứng tích cực tham gia thị trường.
Ngoài ra, khi cơ chế giá cố định đã hết thời hạn, cần có một cơ chế ưu đãi để tiếp tục kích thích nguồn cung. Quá trình xây dựng cơ chế cần sự đối thoại với các bên tham gia, đặc biệt là doanh nghiệp. Mục đích nhằm tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư vì điều này đồng nghĩa với việc giảm chi phí năng lượng cho người dân và xã hội. Chẳng hạn, bồi thường cho việc cắt giảm sản lượng hay cung cấp các khoản vay bảo lãnh là hai cách để giảm rủi ro đầu tư.
Nâng cao năng lực của hệ thống điện
Chuyên gia Đan Mạch khẳng định nâng cao năng lực truyền tải của hệ thống điện là ưu tiên hàng đầu cho sự chuyển xanh. Mở rộng và củng cố hệ thống truyền tải sẽ đảm bảo năng lượng tái tạo ở các khu vực miền Nam có thể tới được các khu công nghiệp lớn của miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng. Một phương án khác nữa là xây dựng các trung tâm năng lượng tái tạo gần khu vực tiêu thụ năng lượng tập trung ngay tại miền Bắc. Tuy nhiên, nguồn cung năng lượng, như gió và mặt trời, ở đây lại không tốt bằng. Khi cân nhắc các yếu tố, thì phương án đầu tiên sẽ đem lại hiệu quả chi phí cao hơn.
Thêm các đường truyền siêu cao áp một chiều (HVDC) cũng là một phần của giải pháp. Theo chuyên gia Đan Mạch, công nghệ này đòi hỏi những kỹ thuật mới rất khác so với hệ thống truyền tải điện xoay chiều (AC) truyền thống. “Ưu điểm của nó là cho phép kiểm soát cụ thể công suất truyền, ổn định điện áp và công suất phản kháng thông qua bộ chuyển đổi, và những vấn đề kỹ thuật khác... Nhìn chung, nó đem lại nhiều lợi ích hơn”, ông Loui cho biết. Hiện phía Đan Mạch đang phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (AO) để hỗ trợ tập huấn, hội thảo, đào tạo giúp các cán bộ AO nâng cao năng lực dự đoán, mô phỏng động lực lưới điện và kế hoạch cắt điện.
Vị chuyên gia cũng cho biết thêm, để thiết kế các kịch bản được giới thiệu trong EOR21 các chuyên gia đã sử dụng mô hình tính toán cao cấp với độ chính xác cao. Mục đích nhằm nắm bắt khả năng mở rộng tối đa và tối ưu của lưới điện, từ đó tối ưu hóa chi phí cho hệ thống, hướng đến mục tiêu net zero.
Dự báo đến năm 2050, tiềm năng phát điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo với giá thành dưới 10 cents/kWh lên tới 600 TWh. Tiềm năng lớn nhất thuộc về các công nghệ mặt trời (nhà máy điện mặt trời tập trung và pin mặt trời), tổng khoảng 450 TWh. Khoảng 100 GWh năng lượng tái tạo sẽ có giá dưới 0,05 USD/kWh, chủ yếu từ nguồn điện gió đất liền, sinh khối và điện mặt trời tập trung. Đa số các khu vực có tiềm năng địa nhiệt được dự báo sẽ có giá thành dưới 0,1 USD/kWh. Tại một số khu vực, giá thành điện gió cũng sẽ giảm tương tự xuống dưới 0,1 USD/kWh. HVDC - High Voltage Direct Current: là hệ thống truyền tải điện một chiều điện áp cao. Đặc điểm nổi bật của hệ thống là có khả năng tải điện từ các nguồn điện lớn về trung tâm phụ tải ở xa, thông qua quá trình truyền tải điện giữa những trạm biến đổi (trạm truyền - Rectifier, và trạm đến - Inverter). Nhờ đặc tính này, hệ thống HVDC có thể truyền tải công suất trên một khoảng cách lớn mà không bị giảm khả năng tải như đường dây xoay chiều; điều khiển dòng năng lượng rất nhanh, do đó nâng cao độ ổn định, không chỉ đối với các liên kết HVDC mà còn đối với hệ thống xoay chiều bao quanh. - Nguồn EVN |
Giang Nguyễn - Hoàng Loan