Việc sản xuất xanh cũng như các tiêu chí mang tính bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người ngày càng trở nên quan trọng khi giao thương hàng hóa.
Với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng thế giới, việc sản xuất xanh cũng như các tiêu chí mang tính bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người ngày càng trở nên quan trọng khi giao thương hàng hóa.
Do đó, để có thể tồn tại và đáp ứng yêu cầu của khách hàng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản hiện đang lấy tiêu chí phát triển xanh để phát triển.
Chế biến mủ cao su xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Một thành viên Cao su Chư Păh, Gia Lai. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Là doanh nghiệp tiên phong và điển hình trong phát triển bền vững ngành cao su, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã đưa chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững với 3 mục tiêu là phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Theo ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), nhằm đáp ứng xu thế phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, góp phần đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn, VRG đã xây dựng các chiến lược phát triển xanh trong sản xuất và kinh doanh.
VRG tập trung đẩy mạnh thực hiện các chứng nhận quốc gia và quốc tế về phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu doanh nghiệp cam kết cung ứng bền vững, có chính sách truy xuất nguồn gốc minh bạch và nâng cao chuẩn mực kinh doanh để hội nhập quốc tế.
Cùng đó, VRG còn định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, tăng cường kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn và không ngừng cải tiến hệ thống quản trị phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế.
Không riêng VRG, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng đang dần chuyển hướng chiến lược sang tăng trưởng và phát triển xanh để phù hợp với yêu cầu của thị trường thế giới. Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIETFOREST) cho biết, việc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp ngành gỗ là cấp bách vì mốc thời gian khá gần (năm 2027). Các doanh nghiệp phải có định hướng để chuyển sản xuất giảm phát thải nhà kính.
Hai thị trường lớn là châu Âu và Hoa Kỳ thời gian tới cũng sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu. Nếu hàm lượng carbon cao hơn quy định thì bắt buộc các nhà xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc tín chỉ carbon.
VIFOREST đã tổ chức 2 hội thảo hỗ trợ tư vấn chuyên sâu giảm phát thải cho một số doanh nghiệp lớn chế biến gỗ; vận động các tổ chức quốc tế về môi trường hỗ trợ một phần kinh phí để hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh - ông Lập chia sẻ.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và đồ gỗ nên khi thực hiện chuyển đổi xanh từ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ được thưởng lợi nhiều hơn khi tiếp cận với thị trường thế giới. Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam duy trì và gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, khi chuyển đổi thành công, doanh nghiệp có cơ hội lớn để từng bước tham gia vào thị trường carbon thông qua việc cung cấp tín chỉ, tạo thêm nguồn thu nhập cho doanh nghiệp bởi nhu cầu tín chỉ này trên thế giới đang ngày càng lớn…
Nếu chủ động và tích cực "xanh hóa", doanh nghiệp gỗ ở Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tại thị trường nước ngoài vốn có yêu cầu khắt khe. Khi sớm chuẩn bị, doanh nghiệp sẽ nắm rõ việc cần làm để nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình tham gia thị trường mua bán tín chỉ carbon, ông Philip Graovac - Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam chia sẻ.
Dựa trên mục tiêu tăng trưởng, phát triển xanh, VRG đặt chỉ tiêu đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 15% so với năm 2023. Đến năm 2050, mức phát thải khí nhà kính trong hoạt động năng lượng giảm ít nhất 30% so với năm 2023. Ông Lê Thanh Hưng thông tin, VRG sẽ thực hiện sinh hoạt chuỗi cung ứng trong các hoạt động sản xuất lốp xe, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su. Các thành viên thuộc VRG đáp ứng chính sách chỉ thu mua cao su thiên nhiên từ công ty cam kết đảm bảo tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp thuộc VRG cũng yêu cầu đối tác cung ứng áp dụng quy trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đồng bộ hóa mục tiêu tăng trưởng xanh trong chuỗi cung ứng. Mục tiêu đến năm 2030 VRG có 60% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...); 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
Đến năm 2050, VRG có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận VFCS/PEFC/FSC... và 100% nhà máy sản xuất (mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su…) có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
Thực hiện chiến lược xanh hóa quy trình sản xuất, đến năm 2030, VRG đặt mục tiêu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối tối thiểu 15% tổng nhu cầu; tiết kiệm năng lượng khoảng 15% so với tổng nhu cầu; giảm thiểu chất thải bằng giải pháp tiết kiệm/tái sử dụng tối thiểu 20% lượng nước sử dụng, tận dụng/tái chế tối thiểu 20% chất thải rắn và bùn thải, giảm thiểu 10% chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất.
Đến năm 2050, VRG sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối tối thiểu từ 50% tổng nhu cầu; tiết kiệm năng lượng khoảng 20% – 30% so với tổng nhu cầu, giảm thiểu chất thải bằng giải pháp tiết kiệm/tái sử dụng tối thiểu 35% lượng nước sử dụng, tận dụng/tái chế tối thiểu 40% chất thải rắn và bùn thải, giảm thiểu 20% chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất, ông Lê Thanh Hưng cho biết thêm.
Theo: BNEWS