Cũng như nhiều nước trên thế giới, sản xuất xanh và khu công nghiệp xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững.
Xu thế tất yếu
Xanh hóa sản xuất và hướng tới khu công nghiệp (KCN) xanh còn đặt ra cho các doanh nghiệp những đòi hỏi, yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển chung, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Công ty CP DAP - Vinachem mạnh tay đầu tư cho môi trường
Thống kê gần đây cho thấy, cả nước đã có hơn 400 KCN hoạt động, đóng góp rất hiệu quả trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Sự phát triển lớn mạnh về quy mô, cơ hội tạo ra việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu nhập, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới công nghệ, thúc đẩy hội nhập, cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu… đã từng bước chứng tỏ vai trò của các KCN, khu chế xuất (KCX).
Có thể nhìn nhận thực tế KCN, KCX là những nhân tố không thể thiếu trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, đi liền với phát triển KCN, KCX là môi trường, tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan xung quanh cần được chú trọng.
Mục tiêu phát triển của đất nước đã được Đảng và Nhà nước xác định: Từ nay đến năm 2030, phấn đấu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Theo định hướng đó, dự kiến kế hoạch trong những năm tới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải được đẩy mạnh hơn nữa. Những dự báo thận trọng nhất cũng cho thấy, trong 20 năm tới GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng từ 2-3 lần. Sự tăng trưởng như vậy là cần thiết nhằm làm cho đất nước phát triển hòa nhập với kinh tế khu vực. Tuy nhiên, với nhịp độ các KCN, KCX phát triển nhanh sẽ kéo theo một lượng lớn tài nguyên là thiên nhiên được khai thác và chất thải từ sản xuất, tiêu dùng ngày càng tăng.
Điều đó cho thấy, các KCN, KCX muốn phát triển sản xuất, kinh doanh thì phải có khoa học - công nghệ hiện đại. Mặt khác, lại phải đặc biệt quan tâm đến mục tiêu kế hoạch bảo vệ môi trường, phát triển các vùng nguyên liệu, tức là bảo vệ sự sống của con người xung quanh KCN, KCX. Sự kết hợp biện chứng về giữa hai mục tiêu này là đòi hỏi tất yếu khách quan của sự phát triển các KCN, KCX gắn liền với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chuỗi sản xuất tuần hoàn- tiêu chí quan trọng
Hình thành chuỗi sản xuất tuần hoàn tại KCN được xem là một trong các tiêu chí quan trọng của khu công nghiệp sinh thái.
Từ một doanh nghiệp từng nằm trong “danh sách đen” với nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bã thải GYPS, nhiều năm qua, Công ty CP DAP - Vinachem (KCN Đình Vũ- Hải Phòng) đã không ngừng đầu tư thực hiện các biện pháp giảm thiểu các nguồn thải ra môi trường, gia cố các tuyến bờ bao bãi thải, đê bao các hồ chứa; tổ chức trồng cây theo kiểu bậc thang phủ xanh các bãi chứa; đầu tư bọc phủ màng HDPE bảo đảm an toàn các bãi chứa; trải màng HDPE các hồ chứa nước mưa; thu gom nước thải từ bãi chứa về nhà máy để sử dụng lại theo quy trình thiết kế… Quan trọng nhất là xử lý triệt để bã thải bằng việc chế biến để làm VLXD và vật liệu san lấp mặt bằng. Trong năm 2022, Công ty tiếp tục đầu tư thêm nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, trồng phủ xanh khu vực bãi chứa thạch cao PG, cải tạo nâng cấp một số tiện ích phục vụ công nhân, cải thiện môi trường làm việc tại các khu nhà xưởng xanh – sạch – đẹp.
Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền
Đồng thời, với định hướng trở thành một "nhà máy công viên" trong tương lai, công ty đã triển khai xây dựng các vườn cây, ao cá, hồ sinh thái, nuôi chim bồ câu tại các khu vực sản xuất, vừa để tạo môi trường lao động thân thiện, vừa là chỉ số quan trọng để đánh giá chất lượng môi trường sống trong nhà máy.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Các khu kinh tế Hải Phòng, để khắc phục những hạn chế, bất cập về môi trường, vài năm trở lại đây, các KCN đã chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh trồng các rặng cây quanh bờ rào các công ty sản xuất; có cơ chế ưu đãi với các nhà đầu tư khi chủ động trồng thêm cây xanh quanh khu sản xuất, hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp…
Với nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy chuyển đổi các KCN theo hướng sinh thái nhanh, mạnh mẽ và hiệu quả, Hải Phòng đã và đang lấy KCN DEEP C để lan tỏa hiệu ứng phát triển KCN sinh thái đến các KCN khác trên địa bàn; tăng cường các hoạt động cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong cùng một KCN, tiến tới tăng cường liên kết giữa các KCN, hướng đến mục tiêu thành phố sinh thái trong tương lai không xa.
Hay đến thăm KCN Nam Cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), không ai nghĩ rằng nơi đây là một KCN sản xuất. Ngay từ lối vào, từng hàng cây xanh mát che phủ những con đường với mương nước đầy tôm, cá. Tiến sâu vào KCN không khí càng trở nên trong mát hơn với những vườn cây hoa Nhật Bản, vườn Hạnh phúc, vườn Hà Lan, bể bơi, nhà hàng... được thiết kế riêng biệt để tạo không gian nghỉ ngơi, thư giãn.
Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền thông tin, trên 40% diện tích đất của KCN được xây dựng làm công viên, cây xanh, đất công cộng, hạ tầng cơ sở. Đến nay, 100% nước thải, khí thải, bụi, chất thải của các nhà máy trong khu công nghiệp được xử lý và đo đếm bằng hệ thống điện tử, quan trắc tự động, giám sát 24/24h...đảm bảo hệ sinh thái xanh, sạch 100%.
Vị lãnh đạo này cho hay, đầu tiên, phải kể chuỗi cộng sinh tuần hoàn ngành thép với 16 doanh nghiệp tham gia. Xỉ thép, tạp chất từ phế liệu kim loại của ngành thép sẽ được phân loại để thu hồi kim loại. Sắt tồn dư đưa trở lại nhà máy thép để luyện phôi. Phần xỉ thép không chứa kim loại được nghiền, sàng tái chế làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng thay đá tự nhiên và tạo ra các sản phẩm khác như gạch không nung, cấu kiện bê tông,…
Chia sẻ thêm mô hình về KCN xanh, đại diện Công ty CP Đại Thắng, đơn vị phân loại và xử lý rác thải công nghiệp, rác thải rắn trong KCN Nam Cầu Kiền cho biết, các loại chất thải sẽ được xử lý, tái chế thành nguyên phụ liệu dùng cho doanh nghiệp trong KCN bao gồm các loại chất thải điện tử, thép, nhựa... "Chúng tôi có dây chuyền công nghệ thu hồi hết phế liệu, làm ra các sản phẩm và rác thải gần như bằng 0”- đại diện Công ty CP Đại Thắng bày tỏ.
Còn với chuỗi cộng sinh ngành nhựa, hiện Nam Cầu Kiền có 8 đơn vị tham gia, 65% nguyên liệu đến từ doanh nghiệp nội khu với khoảng cách 1km và 85% nhựa phế liệu được tái chế. Cuối cùng là chuỗi sản xuất khép kín ngành phụ trợ có 20 doanh nghiệp tham gia đến từ nhiều mảng như phụ trợ ô tô, điện – điện tử, chế biến nông sản.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, đầu tư KCN sinh thái, chi phí sẽ tăng lên khoảng 30% so với các KCN thông thường. Nhưng với tư duy đi trước đón đầu, Nam Cầu Kiền đặt ra mục tiêu đến năm 2030 KCN phải thực hiện bằng được mục tiêu Net Zero (phát thải bằng 0), hướng tới trở thành KCN sinh thái kiểu mẫu, đầu tiên, truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong cả nước có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường; từ đó tạo ra nhiều hệ sinh thái cộng sinh. Hiện KCN đã có hơn 80 nhà đầu tư đồng hành, với 7 quốc tịch; trong đó có những “ông lớn” đứng thứ 16 trên thế giới, chuyên sản xuất chíp điện tử.
Theo Ban Quản lý KCN – khu kinh tế Hải Phòng, mô KCN sinh thái được cho là hướng đi quan trọng để thành phố phát triển bền vững. Đây là "sản phẩm sạch" thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khó tính.
Theo: Báo Công Thương