Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 10:16 GMT+7

Sản xuất bền vững

'Xanh hóa' sản xuất công nghiệp

08/05/2023

Đồng Nai đang hướng tới sản xuất sạch, tiếp đến là kinh tế tuần hoàn để “xanh hóa” nền công nghiệp và hướng đến phát triển bền vững. Theo đó, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường. Đây là hướng đi được nhiều nước theo đuổi nhằm cân bằng các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng Nai cũng là một trong các tỉnh, thành đi đầu trong sản xuất công nghiệp bền vững.
Sản xuất giày da bằng cao su thiên nhiên tại Công ty TNHH Giày Tuấn Việt (H.Nhơn Trạch).
Bài 1: Tiên phong với sản xuất sạch
Thực hiện kế hoạch về sản xuất sạch hơn của UBND tỉnh, yêu cầu của đối tác nước ngoài, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đã tiên phong đổi mới công nghệ, chuyển sang dùng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.
Điều này không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng ưu thế cạnh tranh mà xã hội cũng có thêm sản phẩm xanh.
DN vốn đầu tư nước ngoài dẫn đầu về công nghệ
Đồng Nai là tỉnh có công nghiệp phát triển sớm và nhanh nên đã đón được nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư ồ ạt trong thời gian dài đã gây ra không ít thách thức về môi trường, hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội.
Hơn 10 năm trở lại đây, tỉnh đã thu hút đầu tư có chọn lọc, khuyến khích và hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh và tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Nhiều tập đoàn nước ngoài đã tiên phong đổi mới, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm năng lượng như: Bosch, Hyosung, Schaeffler, Nestlé…
Ông Vũ Đình Quân, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP TKG Taekwang Vina ở Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) chia sẻ, DN đã có giải pháp hướng đến sản xuất sạch theo chủ trương của Đồng Nai, đối tác Nike và xu hướng chung của thế giới. Cụ thể, các thiết bị, dây chuyền tiêu tốn điện năng được thay bằng thiết bị mới, ít tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, công ty khuyến khích người lao động đóng góp sáng kiến, cải tiến trong sản xuất.
Bà Nguyễn Ngọc Kim Oanh, Trưởng phòng An toàn vệ sinh lao động và phát triển bền vững Công ty TNHH Saitex International (ở KCN Amata, TP.Biên Hòa) cho hay, DN sản xuất lĩnh vực dệt may nhưng tỷ lệ phát sinh chất thải ra môi trường rất thấp nhờ sớm ứng dụng công nghệ hiện đại. Đơn cử, nhà máy dệt đã sử dụng dây chuyền công nghệ của Truetzschler (Đức) để phát triển dòng sợi thân thiện với môi trường, dùng máy pha thuốc nhuộm của Sedo (Thụy Sĩ) giảm 30% nước, 90% lượng CO2. Tại nhà máy giặt, thay vì đầu tư máy sấy, công ty làm giàn phơi băng chuyền gần mái tôn làm khô quần áo tự nhiên… Các giải pháp trên giúp công ty tiết kiệm năng lượng, công lao động và hợp tác được với các thương hiệu thời trang như: Everlane, Tommy Hilfiger, Calvin Klein…
DN vừa và nhỏ không ngoài cuộc
Các DN vốn đầu tư nước ngoài có lợi thế khi tham gia vào sản xuất sạch do có nguồn vốn, công nghệ, đầu ra ổn định. Trong khi DN trong nước nguồn lực tài chính, quản trị, công nghệ hạn chế hơn. Song điều này không có nghĩa DN trong nước đứng ngoài chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho biết, từ năm 2010, Đồng Nai đã triển khai chương trình sản xuất sạch hơn với nhiều giải pháp thiết thực; trong đó, có hỗ trợ tập huấn kiến thức, chi phí đổi mới công nghệ, kiểm toán năng lượng. Nhờ đó, nhiều DN trở thành bạn hàng” với các thương hiệu đa quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn.
Công ty TNHH Giày Tuấn Việt (H.Nhơn Trạch) đã sớm trở thành đối tác của Hãng Superga, thương hiệu giày thể thao và giải trí nổi tiếng ở Italy. Thông qua sự hợp tác này, mỗi năm công ty xuất khẩu trực tiếp khoảng 2-2,5 triệu đôi giày đi gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Mô hình giàn phơi băng chuyền làm khô quần áo tự nhiên tại Công ty TNHH Saitex International (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa)
Giám đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt Trần Văn Tắc cho biết, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 10 DN sản xuất giày lưu hóa (cao su thiên nhiên). Tuấn Việt may mắn trở thành đối tác của Superga bởi DN đã làm chủ công nghệ, nguyên liệu sản xuất thân thiện với môi trường.
Tương tự, Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành) đã lập phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) để nghiên cứu toàn bộ quy trình từ khâu trồng, khai thác đến thành phẩm cao su. Trên cơ sở đó tìm ra công thức phối trộn, tạo ra sản phẩm cao su chất lượng cung cấp cho các ngành sản xuất linh kiện ô tô, xe máy...
Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai Trương Quốc Cường chia sẻ, công ty đã đầu tư cả trăm tỷ đồng nâng cấp trang thiết bị, máy móc, nghiên cứu phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hiện tại, cao su Tương Lai cũng tham gia chương trình Chuỗi cung ứng toàn cầu của Bộ Công thương với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Điều mà rất ít DN có quy mô vừa và nhỏ làm được.
Hiện nay, đổi mới công nghệ là giải pháp tạo đột phá về năng suất, chất lượng, cạnh tranh. Việc chủ động nghiên cứu, phát triển nguyên liệu mới, sản phẩm thân thiện với môi trường cũng là cách giúp DN vừa và nhỏ trong nước có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 
Theo: Báo Đồng Nai