Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 22:03 GMT+7

Tin hoạt động

Cần Thơ hòa vào xu hướng phát triển xanh

14/09/2023

TP. Cần Thơ đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần giúp thành phố hội nhập vào xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Những kết quả bước đầu
TP. Cần Thơ xác định, phát triển kinh tế xanh, sạch, bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, do vậy, thời gian qua, địa phương này đã tập trung quy hoạch, huy động các nguồn lực để triển khai phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… theo hướng xanh, phát thải thấp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, nâng cao giá trị hàng hóa, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.
Cần Thơ tăng cường triển khai các giải pháp nhằm xanh hóa nền nông nghiệp
Trong sản xuất công nghiệp, TP. Cần Thơ tăng cường áp dụng các công nghệ tiên tiến để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời, đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải tại các khu, cụm công nghiệp tập trung; lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục để chủ động đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường nước thải, khí thải. Thời gian vừa qua, TP. Cần Thơ đã triển khai thí điểm dự án khu công nghiệp sinh thái bền vững cho phát triển tại Khu công nghiệp Trà Nóc. Theo đó, dự án này đã tập trung kết nối các doanh nghiệp gần nhau sử dụng chung lò hơi, chia sẻ cơ sở hạ tầng và cộng sinh nguồn nhân lực, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, giảm khí thải và chất thải.
Theo đánh giá của ngành chức năng TP. Cần Thơ, sau một thời gian triển khai thí điểm, dự án khu công nghiệp sinh thái bền vững đã mang lại những kết quả tích cực khi đã giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu trong quá trình sản xuất kinh doanh; đồng thời, hình thành mạng lưới trao đổi các yếu tố phục vụ sản xuất, sử dụng hạ tầng chung và dịch vụ phục vụ sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong buổi làm việc với chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh mới đây, lãnh đạo TP. Cần Thơ mong muốn khi dự án đi vào hoạt động, đơn vị quản lý dự án sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư ở những lĩnh vực liên quan đến công nghiệp xanh, sạch, đảm bảo phát triển bền vững, góp phần giúp Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh trở thành hình mẫu không chỉ của Cần Thơ mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long về phát triển xanh, bền vững.
TP. Cần Thơ được bao bọc bởi hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, quanh năm phù sa vun bồi tạo cho cây màu tốt tươi, vườn trái cây trĩu quả kết hợp với những địa danh nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng, Cồn Sơn, rừng tràm Trà Sư… đã tạo điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển du lịch xanh, bền vững thông qua việc chú trọng đến không gian mở gần gũi thiên nhiên, sử dụng các vật dụng như dừa, mo cau, củi… làm vật liệu chính trang trí cho các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái.
Chú trọng phát triển xanh, bền vững
Thời gian qua, tận dụng diện tích vườn cây ăn trái trên 8.500ha, huyện Phong Điền đã tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái. Chia sẻ với phóng viên, ông Võ Thành Giúp - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Ðiền cho biết: “Phong Điền hiện có hơn 30 điểm vườn và liên kết phục vụ du lịch. Du lịch sinh thái là thế mạnh của Phong Điền nên nhiều năm qua, địa phương luôn tạo điều kiện để các nhà vườn, điểm kinh doanh phát huy loại hình du lịch này theo định hướng xanh, bền vững”.
Bên cạnh việc tiếp tục tập trung mở rộng diện tích cây ăn trái, hoa màu ở các địa phương như Phong Điền, Thốt Nốt, Bình Thủy để phục vụ loại hình du lịch sinh thái, TP. Cần Thơ cũng tăng cường triển khai các giải pháp để xanh hóa nền nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thời gian gần đây, các hợp tác xã trồng lúa, cây ăn trái ở các địa phương như Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ,… đang đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; đồng thời đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bằng việc tận dụng các cành, nhánh, trái hư ủ để lấy phân hữu cơ bón cho vườn cây.
Nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển ngày càng xanh và bền vững, theo kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon để đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP. Cần Thơ đang triển khai các giải pháp để giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, phấn đấu đến năm năm 2030 sẽ giảm ít nhất 15% và đến năm 2050 giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Đồng thời, TP. Cần Thơ cũng tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số. Trong đó, TP. Cần Thơ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2030, tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GRDP bình quân giảm từ 1,0 đến 1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt từ 15 đến 20%; kinh tế số đạt 30% GRDP và ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn trên địa bàn thành phố áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;...
Cùng với đó, TP. Cần Thơ cũng đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững bao gồm xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững; phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng thông minh; xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: Để góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch tăng trưởng xanh của thành phố, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao tỉ lệ thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, đô thị và nông thôn, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, góp phần giúp TP. Cần Thơ giữ vững danh hiệu Thành phố ASEAN bền vững về môi trường.
Theo: Báo Tài nguyên và Môi trường