Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:30 GMT+7

Sản xuất bền vững

Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, bền vững tại Cần Thơ

15/03/2022

Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thực hành sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản có lợi thế, tiềm năng, đặc trưng của thành phố… góp phần gia tăng giá trị kinh tế, nông sản và thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn,  tạo thế cạch tranh bền vững trên thị trường hàng hóa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, định hướng sản xuất thực phẩm an toàn hay hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho các hộ sản xuất, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Để nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, nông sản, ngành Nông nghiệp thành phố đã và đang đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn; đồng thời, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho nông dân và HTX nông nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng sạch và an toàn, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học... vào sản xuất. Hiện, thành phố xây dựng được 78 chuỗi, với 335 sản phẩm được xác nhận trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn cũng như nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm, nông sản trên thị trường.
Cần Thơ hướng đến sản xuất kinh tế nông nghiệp hữu cơ
Tận dụng 9.000m2 nuôi ốc bưu đen và ốc lát theo hướng thuận tự nhiên để phục vụ nhu cầu tiêu dùng ốc thịt sạch là hướng đi đang được anh Nguyễn Hồng Khương, chủ trang trại ốc hữu cơ Mười Khương, phường Thới Hòa, quận Ô Môn áp dụng và hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng mới, bởi nhu cầu thị trường tiêu thụ ốc thịt đang dần được mở rộng, mang lại nguồn thu nhập cao cho người sản xuất. đầu năm 2022, trang trại Mười Khương đã chuyển sang nuôi ốc thịt theo hướng hữu cơ, với 9.000m2 để phục vụ nhu cầu tiêu thụ ốc thịt sạch của thị trường. Theo anh Khương, quá trình nuôi từ ốc giống đến ốc thịt thành phẩm là 4 tháng, để ốc bưu đen hay ốc lát sinh trưởng tốt, có thịt ngon và ngọt, ngoài chú trọng môi trường nước sạch cũng như chọn con giống đạt chuẩn chất lượng để nuôi, trang trại đã tận dụng các loại bèo, bông súng, tai tượng, đu đủ, ổi… được trồng tại trang trại theo hướng an toàn để làm thức ăn cho ốc và tất cả đều không sử dụng phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật.
Nhờ áp dụng tốt quy trình nuôi ốc theo hướng hữu cơ, các loại ốc thịt của trang trại Mười Khương ngày càng được thị trường ưa chuộng, bình quân, trang trại xuất bán gần 1 tấn ốc bươu đen thịt/tháng, với giá bán 55.000đồng/kg, chủ yếu là cung cấp cho các chợ đầu mối lớn như chợ Tân An, TP Cần Thơ, chợ Bình Ðiền, TP Hồ Chí Minh. Ðiều đáng mừng trong tháng 1-2022, trang trại ốc hữu cơ Mười Khương đã được ngành chức năng thành phố hỗ trợ cấp mã QR, tham gia vào "Hệ thống truy xuất quản lý nguồn gốc sản phẩm TP Cần Thơ", từ đó giúp khách hàng ở khắp nơi có thể tìm hiểu và biết rõ nguồn gốc sản phẩm của trang trại Mười Khương từ nơi sản xuất đến bàn ăn. Không chỉ vậy, hiện anh Khương còn hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, nỗ lực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Nhận thấy thị trường tiêu dùng gạo sạch ngày càng gia tăng, HTX dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu (HTX My Hậu), huyện Vĩnh Thạnh đã duy trì canh tác lúa ST24, Ðài Thơm 8 theo hướng an toàn và đã mang lại nguồn thu nhập ổn định 8 thành viên và nông dân vào HTX. Hiện HTX có hơn 80ha tổng diện tích sản xuất lúa, với năng lực cung ứng trên 3 tấn gạo sạch/tháng cho các cửa hàng chuyên bán gạo sạch.
Theo ông Dương Ðình Vũ, Giám đốc HTX My Hậu, để giữ thương hiệu gạo sạch My Hậu trên thị trường, HTX áp dụng tốt quy trình canh tác lúa an toàn, bảo đảm hạt gạo làm ra đạt chất lượng thơm ngon và được người tiêu dùng tin dùng. Từ đó, ổn định diện tích sản xuất cho thành viên và nông dân vào HTX yên tâm trồng lúa theo hướng an toàn, bởi đầu ra luôn ổn định ngay cả những lúc thị trường biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ðiều đáng ghi nhận là các loại gạo của My Hậu đã nhận được sự quan tâm của các đối tác ở tỉnh Long An, TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, HTX đang được huyện Vĩnh Thạnh cũng như ngành chức năng thành phố hỗ trợ tham gia chương trình OCOP... từ đó sẽ giúp HTX nâng chất lượng thương hiệu gạo My Hậu, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đồng thời, tạo điều kiện cho HTX thu hút thêm nhiều nông dân vào HTX để phát triển diện tích sản xuất lúa sạch, góp phần hình thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, định hướng sản xuất thực phẩm an toàn hay hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho các hộ sản xuất, HTX nông nghiệp. Song để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững, ngành chức năng các cấp cần hướng dẫn về phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, HTX và người dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ; nâng cao nhận thức cho người sản xuất, HTX tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm chất lượng sản phẩm… Cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thực hành sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cần quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản có lợi thế, tiềm năng, đặc trưng của thành phố… từ đó, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa, nông sản và thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn...
Trí Tuệ