Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 09/12/2024 | 22:53 GMT+7

Tin hoạt động

Làng nghề truyền thống Hà Nội: Tích cực áp dụng sản xuất sạch hơn

28/07/2016

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội, hiện, có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng nghề trên toàn quốc với 47 nghề thủ công, trong đó, nhiều nghề đang có xu hướng phát triển mạnh như: gốm sứ, mây tre đan, điêu khắc, sơn mài… Các làng nghề đã và đang đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của thành phố, đặc biệt là khu vực ngoại thành, thu hút được gần 627.000 lao động đem lại giá trị sản xuất của làng nghề đạt trên 7.650 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, có những làng nghề đạt giá trị sản xuất khá cao như: gốm sứ Bát Tràng đạt 350 tỷ đồng/năm, dệt kim La Phù đạt 810 tỷ đồng/năm, mộc Chàng Sơn (Thạch Thất) đạt 282 tỷ đồng/năm, mộc Vạn Điểm (Thường Tín) đạt 240 tỷ đồng/năm…

Có một thực tế là, hiện nay, hầu hết các làng nghề Hà Nội còn phát triển tự phát và thiếu bền vững. Các làng nghề đa phần chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải và sử dụng máy móc thô sơ, đơn giản chiếm 70% thiết bị sản xuất … Do vậy, ô nhiễm môi trường làng nghề là điều không tránh khỏi và ngày càng đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển các nghề truyền thống. Cụ thể, không khí  ô nhiễm do đốt nhiên liệu, do phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn (CO2, NH3, CH4…) tại làng nghề chế biến nông sản thực phẩm. Hay như do khâu sấy chống mốc dùng diêm sinh đã gây phát sinh một lượng lớn khí SO2 tại các làng nghề mây tre đan. Và ô nhiễm do bụi bông, bụi than, hơi hóa chất, xút thải… tại làng nghề dệt nhuộm và gốm sứ. Song song với đó, ô nhiễm làng nghề còn khiến tỷ lệ người mắc bệnh có xu hướng tăng cao, đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi lao động. Vì thế, cần nghiên cứu đưa ra giải pháp phù hợp để các làng nghề áp dụng.

Giải pháp hiện nay được các chuyên gia đưa ra để khắc phục ô nhiễm môi trường và phát triển sản xuất tại các làng nghề áp dụng các giải pháp SXSH. Giải pháp này đang được UBND TP. Hà Nội cũng như các tổ chức quốc tế quan tâm cho triển khai từ nhiều năm nay.

Điển hình như làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, là một minh chứng của sự ô nhiễm tại 4 thôn sản xuất cơ kim khí, một thôn làm trống, thôn còn lại sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, điêu khắc gỗ. Hơn 5 tháng thí điểm áp dụng công cụ cải tiến 5S – giải pháp sản xuất sạch hơn tại 5 hộ sản xuất, bao gồm 3 hộ chuyên mạ kim loại và 2 hộ đột dập, đã tạo sự thay đổi rõ rệt. Thực hiện theo 5S, công nhân trong các xưởng sản xuất đỡ tốn công sức khi sản xuất; di chuyển nguyên vật liệu nhanh gọn hơn, hạn chế rơi vãi hóa chất và sản phẩm trong quá trình sản xuất; việc xuất, nhập nguyên liệu, sản phẩm cũng trở nên thuận tiện và đơn giản hơn. Nhận thấy được hiệu quả của công cụ này, các hộ làm nghề và doanh nghiệp nhỏ đã ký cam kết áp dụng công nghệ sản xuất theo 5S để bảo vệ môi trường.

Một số cơ sở sản xuất gốm ở làng nghề gốm Kim Lan, huyện Gia Lâm đã áp dụng SXSH chuyển đổi từ lò nung chạy bằng than sang lò nung chạy bằng gas, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Như tại, cơ sở sản xuất Đào Việt Bình để thay đổi công ghệ nung gốm từ lò thủ công truyền thống sang hệ thống lò lung gas hiện đại. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả cao giảm tỷ lệ sản phẩm hỏng xuống còn 2 - 5% trong khi trước kia với lò thủ công, con số này khá cao khoảng 20%, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, môi trường làm việc của công nhân đã được cải thiện do giảm lượng khí thải phát thải ra môi trường.

Việc áp dụng SXSH tuy chưa được triển khai đồng bộ ở tất cả các cơ sở sản xuất trong các làng nghề nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực về môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Qua các mô hình điển hình này, các làng nghề sẽ có các biện pháp hướng tới làng nghề xanh, phát triển bền vững.