Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ ba, 17/09/2024 | 02:41 GMT+7

Tin hoạt động

Ngành dệt may tích cực và chủ động thực hiện tăng trưởng xanh

07/08/2023

Xanh hóa chuỗi sản xuất trong ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc triển khai. Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển mình, bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với những yêu cầu của nhãn hàng.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam
Tại Quyết định 2756/QĐ-BCT ngày 14/12/2022 của Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu cụ thể về tăng trưởng xanh đến năm 2025 là: “Thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại nhằm đạt mục tiêu giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia nước giải khát, giấy,...”
Thưa ông, ngành dệt may đã, đang và sẽ làm gì để góp phần đạt mục tiêu trên?
Ông Trương Văn Cẩm
Đối với ngành dệt may, một ngành sản xuất và xuất khẩu rất lớn của Việt Nam, năm 2022 ngành đã xuất khẩu trên 44 tỷ USD. Trong quá trình sản xuất và tiêu dùng ngành dệt may là một trong những ngành có lượng phát thải và sử dụng năng lượng, hoá chất, thuốc nhuộm nước rất lớn. Chình vì vậy việc phấn đấu đạt mục tiêu về sản xuất và tiêu dùng bền vững không chỉ để thực hiện Quyết định của Chính phủ, Bộ Công Thương mà cũng là để đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn lao động và môi trường của các thị trường nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam. 
Thời gian gần đây Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế như: WWF, GIZ, FW, IDH, USAID… tổ chức hàng loạt các hội thảo, tập huấn cho doanh nghiệp dệt may nhằm nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, người lao động về vấn đề bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh. Cụ thể, các hoạt động hướng đến việc sản xuất tiết kiệm được nguyên liệu, nhiên liệu cũng như nước, hóa chất, thuốc nhuộm. Cùng với đó VITAS cũng tăng cường tuyên truyền để cho các doanh nghiệp nắm được việc để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu dệt may thì cần phải tăng cường đầu tư đổi mới trang thiết bị với những máy móc thiết bị hiện đại ít sử dụng sử dụng điện, nước. Ví dụ, đối với những dây chuyền nhuộm khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư những máy móc thiết bị ít sử dụng hóa chất, nước. Đối với việc xả thải nước nhiều thì VITAS phối hợp với các tổ chức, tổ chức những hội thảo để khuyến nghị và đưa ra những giải pháp để các doanh nghiệp có thể áp dụng vào xử lý nước thải để tuần hoàn nước. Hiện nay, có những dự án đã sử dụng nước sau xử lý lên đến 80%. Điển hình như tại khu công nghiệp Tam Thăng - Quảng Nam đã sử dụng đến lượng nước thải sau xử lý đến 80% giúp giảm giá thành khoảng 15%.
Khu công nghiệp Tam Thăng tái sử dụng 80% nước thải 
Ngoài ra, cũng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tại chỗ với những sản phẩm được làm từ những nguyên liệu như: gai, đay, xơ dứa, tơ tằm, bã cà phê,... để sản xuất ra những sản phẩm ít gây ô nhiễm môi trường. Hay các nguyên liệu sử dụng như bông, xơ cũng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng những nguyên liệu có thể tái chế, tái sử dụng để không chỉ đáp ứng những yêu cầu trong nước mà phải đáp ứng cả những yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Hiện nay ngành dệt may Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào những thị trường đẳng cấp và khó tính như: Mỹ, EU, Hàn Quốc Nhật Bản... các thị trường này đưa ra yêu cầu rất khắt khe về vấn đề môi trường và tiêu chuẩn lao động. Ví dụ, EU ban hành chỉ thị về tra suất chuỗi cung ứng và đưa ra chiến lược dệt may mới là thay thế thời trang nhanh bằng thời trang bền vững. Do đó, từ khâu thiết kế sinh thái đến khâu sản xuất cũng cần giảm ảnh hưởng đến môi trường nhất.
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp nên sử dụng điện mặt trời áp mái, sử dụng đèn led chiếu sáng. Thay đổi lò hơi đốt than dầu sang lò hơi đốt điện... Có thể nói, tất cả những hoạt động VITAS triển khai thời gian qua đều hướng đến thực hiện mục tiêu theo Quyết định của Chính Phủ và Bộ Công Thương để chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng trong thực hiện tăng trưởng xanh?
Ông Trương Văn Cẩm
Tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu trong thời đại ngày nay để góp phần thực hiện mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng có vai trò hết sức quan trọng bởi doanh nghiệp là một trong những đối tượng xả thải nhiều. Đối với ngành dệt may, nước thải, khí thải, chất thải rắn thải ra môi trường rất nhiều nên vai trò của các doanh nghiệp là cần phải sử dụng các công nghệ, nguyên liệu để ít xả thải nhất. Những giải pháp mà doanh nghiệp áp dụng không chỉ đáp ứng những yêu cầu giảm phát thải mà còn tạo cơ hội để doanh nghiệp thu hút đơn hàng và đảm bảo phát triển bền vững.
Về phía VITAS ngay từ năm 2017 đã thành lập Uỷ ban phát triển bền vững và đưa ra mô hình phát triển bền vững PPP (Profite - People - Planet) trong đó vấn đề xanh hoá, bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm. Các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế như WF, GIZ, IDH, USAID... đến nay đã có sức lan toả đến các doanh nghiệp trong ngành.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào quá trình xanh hoá như: Thay đổi nồi hơi đốt than, dầu sang lò hơi dùng điện, lắp đặt điện mặt trời áp mái; Xử lý nước thải và tái sử dụng (tuần hoàn) nước; Bố trí cảnh quan môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp; Đầu tư công nghệ tiên tiến giảm tác động xấu đến môi trường... Theo đánh giá, có khoảng 50-60% doanh nghiệp dệt may thuộc VITAS tham gia vào chương trình xanh hoá và đạt được kết quả tích cực.
Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu nhưng thực tế tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp tham gia theo đuổi tăng trưởng xanh vẫn còn khiêm tốn. Theo ông, giải pháp cần phải được thực hiện để thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực và chủ động thực hiện tăng trưởng xanh?
Ông Trương Văn Cẩm
Theo tôi cần phải có giải pháp đồng bộ từ sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp đến sự hỗ trợ từ Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương. Cụ thể:
Về phía các doanh nghiệp cần nhận thức việc "xanh hoá" là xu hướng tất yếu, càng triển khai sớm càng có cơ hội khai thác các thị trường lớn tiềm năng. Tuy nhiên cũng phải tinh toán chi phí và lợi ích cho hợp lý, tránh triển khai bằng mọi giá. Do đó, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa doanh nghiệp với nhãn hàng và tận dụng hỗ trợ kinh phí, kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế cũng sẽ góp phần thực hiện xanh hoá thành công.
Về phía chính phủ, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó có việc, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ sạch; Ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, giảm lượng nước xả thải, giảm phát thải khí nhà kính; Tăng cường tái chế, tái sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, chất thải; Tập trung ưu  tiên vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá, thân thiện với môi trường. Chính sách, pháp lý đã rõ ràng, việc cần làm là sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, Bộ Công Thương, Hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp và thâm chí là khách hàng (yêu cầu khắt khe về tiêu chí xanh) và doanh nghiệp trong việc thực hiện "xanh hoá".
Xanh hoá dệt may yêu cầu nguồn tài chính rất lớn và không phải doanh nghiệp dệt may nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để triển khai thực hiện. Vì vậy rất cần nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng xanh, các hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, công ty cho thuê tài chính vào cuộc đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng xanh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Anh Thư