Chương trình khuyến công tại Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023 ưu tiên các đề án điểm, đề án nhóm với nội dung liên quan đến đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường và hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch.
Việc hỗ trợ có trọng tâm, linh hoạt đã giúp chương trình khuyến công địa phương phát huy hiệu quả. Trong ảnh: Đoàn nghiệm thu chương trình hỗ trợ ứng dụng thiết bị máy móc tiên tiến của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển tỉnh nghiệm thu tại công ty TNHH thực phẩm Long Phước (TP.Bà Rịa).
Tăng năng suất, chất lượng sản phẩm
Ông Đinh Văn Thoại, chủ cơ sở hủ tiếu Chu Hải (TX.Phú Mỹ) cho rằng, DN nhỏ và vừa đang chịu tác động kép khi bị giảm đơn hàng và thiếu hụt nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, máy móc nâng cao chất lượng sản phẩm. Do vậy, chương trình khuyến công với trọng tâm là hỗ trợ vốn để DN mua sắm thiết bị mới, hiện đại hơn đã kịp thời giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
“Tháng 5/2023, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Trung tâm) tôi đã mạnh dạn đầu tư một máy sản xuất hủ tiếu trị giá 616 triệu đồng, trong đó 270 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến của Trung tâm. Việc đầu tư trang thiết bị hiện đại đã giúp cơ sở tăng 50% sản lượng, đạt khoảng 180kg/giờ, giảm gần 50% lao động chân tay”, ông Thoại cho hay.
Theo tính toán của ông Thoại, khi đi vào hoạt động ổn định, DN sẽ đạt lợi nhuận hơn 542 triệu đồng/năm, sau hơn 1 năm có thể hoàn vốn. “Nhờ có máy móc hiện đại, ngoài việc tăng năng suất thì sợi hủ tiếu cũng dai và trắng hơn, bảo đảm ATVSTP”, ông Thoại thông tin thêm.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm từ sữa như sữa thanh trùng, bánh flan, sữa chua, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, Công ty TNHH thực phẩm Long Phước (xã Long Phước, TP.Bà Rịa) từng bước đầu tư máy móc thiết bị hiện đại trong các khâu chế biến, chiết rót, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Năm 2023, công ty đã đầu tư 4 thiết bị máy móc gồm: bồn phối trộn và gia nhiệt nguyên liệu, máy đồng hóa sản phẩm, tủ hấp bánh và máy co màng với tổng trị giá gần 425 triệu đồng, trong đó hơn 191 triệu đồng được hỗ trợ theo chương trình ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất của Trung tâm.
Bà Trần Nguyễn Thiên Thanh, Giám đốc công ty cho biết, việc đầu tư này đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho DN. Nhờ chất lượng tốt, sản phẩm đã được bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị bán lẻ, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, DN cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 17 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Ưu tiên đổi mới công nghệ sản xuất
Năm 2023, Trung tâm thực hiện 11 chương trình khuyến công địa phương với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh gần 5,7 tỷ và nguồn kinh phí đối ứng của DN 3,3 tỷ đồng. Chương trình triển khai theo 5 nhóm nội dung chính gồm: hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển sản phẩm; hoạt động tư vấn, tập huấn kỹ thuật áp dụng sản xuất sạch hơn cho các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động khuyến công; xây dựng chương trình tuyên truyền hoạt động khuyến công.
Ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc Trung tâm thông tin thêm, chương trình cũng sẽ ưu tiên các đề án hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn và nhân rộng mô hình áp dụng. Cùng đó là hỗ trợ các hoạt động tư vấn nhằm nâng cao năng lực quản trị DN, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, ưu tiên các địa phương có đăng ký đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia…
Theo: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu