Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:48 GMT+7

Sản xuất bền vững

Hợp tác xã Bà Rịa - Vũng Tàu tiên phong ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản bền vững

14/11/2021

Cách đây nhiều năm, khi chưa nhiều người biết đến công nghệ tuần hoàn, khép kín trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (Long Hương, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tiên phong đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tôm xuất khẩu. 

Theo ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX, thì công nghệ lọc nước tuần hoàn, nuôi tôm khép kín RAS đã được ứng dụng nhiều trên thế giới và cho thấy hiệu quả quản lý môi trường, vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Từ niềm tin vào công nghệ đã được kiểm chứng, cộng thêm hỗ trợ của của địa phương và Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2016, HTX quyết tâm đầu tư nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. 

Ông Chuyên cho biết hiện HTX đang áp dụng phương pháp nuôi ba giai đoạn. Tại giai đoạn đầu, con giống được thả vào bể có diện tích 100 m2 với mật độ 1.020 con/m2. Giai đoạn hai dành cho tôm từ tháng thứ hai trở đi. Diện tích bể tăng lên 200 m2. Đến giai đoạn cuối cùng dành cho tôm trưởng thành sẽ được nuôi trong bể 400 m2. 

Để kiểm soát môi trường nuôi hiệu quả nhất, toàn bộ hệ thống bể nuôi được đặt trong nhà. Đồng thời trong các bể khung sắt được lót bạt. Nước được tuần hoàn, làm sạch để tạo điều kiện gần giống với môi trường tự nhiên tối ưu. 

Ứng dụng công nghệ cao giúp cân bằng bài toán hiệu quả kinh tế - môi trường trong chăn nuôi thủy sản.

Theo các cơ sở chăn nuôi thủy sản, môi trường và dịch bệnh là nỗi lo thường trực nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện sức khỏe vật nuôi và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt trong bối cảnh thời tiết biến đổi thất thường, môi trường có nhiều yếu tố khó kiểm soát như hiện nay, thì phương pháp nuôi ao đất truyền thống ngày càng trở nên khó khăn. Do đó, những cơ sở chăn nuôi có điều kiện đều tìm cách dần chuyển đổi công nghệ, giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế.

Qua tìm hiểu, ông Nguyễn Kim Chuyên nhận thấy phương pháp nuôi khép kín, tuần hoàn nước có nhiều lợi điểm. Đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, tiết kiệm nước và giảm tác hại đến môi trường. 

“Nước trong ao nuôi luân chuyển liên tục, sau khi qua xử lý, nguồn nước nuôi tôm được trả về hồ đảm bảo các tiêu chí sạch, an toàn để tôm phát triển, hạn chế tối đa dịch bệnh và hoàn toàn không sử dụng các chất kháng sinh”, ông Chuyên chia sẻ. 

Thông thường, một con tôm ăn và tích tụ trong cơ thể khoảng 30% lượng thức ăn, còn lại sẽ thải ra các dạng chất rắn và các chất hòa tan không lắng lại. Cộng thêm các chất tồn lưu khác trong nước như thức ăn, kháng sinh… sẽ làm cho nước nuôi ô nhiễm, khiến tôm dễ mắc bệnh.

Để xử lý vấn đề này, hệ thống lọc tuần hoàn sẽ có một máy tách chất thải rắn riêng. Còn các chất thải không thể lọc được bằng vật lý sẽ dùng bể chứa vi sinh để lọc, từ đó hạn chế vi khuẩn gây mầm bệnh. 

Khi chất lượng nước được kiểm soát, tôm khỏe mạnh, lớn nhanh, tỷ lệ thắng vụ được nâng lên đáng kể. Theo chia sẻ của đại diện HTX, từ khi áp dụng hệ thống nuôi khép kín, tuần hoàn năm 2016, chưa có vụ nào bị mất, tỷ lệ hao hụt con giống giảm đáng kể. Hiện HTX mỗi năm nuôi ba vụ, năng suất 20-25 tấn/vụ/khu (khoảng 500m2). Với hai khu nuôi tôm công nghệ cao, doanh thu hàng năm khoảng 8 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2-3 tỷ.

Đây có thể coi là bước đi táo bạo góp phần tạo thành công lớn của HTX Quyết Thắng. Đồng thời, cũng chứng minh công nghệ là chìa khóa giải quyết bài toán cân đối giữa hiệu quả kinh tế, bền vững và môi trường.

Thanh Thanh