Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ ba, 26/11/2024 | 19:48 GMT+7

Tin hoạt động

Phát triển công nghệ xanh: Cần thêm nhiều ưu đãi

15/07/2016

Thiếu vốn và cơ chế chính sách hỗ trợ

Để có những sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường đủ sức cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp cần phải đầu tư đổi mới công nghệ. Tuy vậy, theo Báo cáo điều tra Năng lực cạnh tranh và công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam, có tới 90% trong tổng số 8.000 doanh nghiệp được điều tra (trong thời gian 4 năm) cho biết, họ chưa có chiến lược cải tiến công nghệ do gặp khó khăn về tài chính. Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, các doanh nghiệp cho rằng, để đầu tư cho cho công nghệ xanh cần nguồn vốn rất lớn trong khi nguồn vối ưu đãi lại không nhiều và việc tiếp cận nguồn vốn này lại không dễ dàng. Chưa kể một số quy định hiện hành về cho vay vốn còn bất cập hoặc lãi suất cho vay quá cao nên không khả thi đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Chủ một doanh nghiệp sản xuất gạch ở Quảng Ngãi cho biết: Các doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói rất cần vốn đầu tư, đổi mới công nghệ để tạo ra những dòng sản phẩm bền, đẹp, thân thiện với môi trường. Do đó, khi tỉnh có chính sách hỗ trợ để DN đổi mới công nghệ là một tin vui. Tuy vậy, các tiêu chí của chương trình đưa ra khiến các doanh nghiệp ngại tiếp cận nguồn vốn này. Đơn cử, Công ty Phú Điền đầu tư dây chuyền sản xuất mới, hiện đại cho năng suất xấp xỉ 45 triệu viên/năm cần nguồn vốn lên đến 40 tỷ đồng. Trong khi quy định mức hỗ trợ cho DN đổi mới công nghệ từ nguồn ngân sách tỉnh là 30% tổng giá trị kinh phí thực hiện dự án, nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án. So với số tiền doanh nghiệp này cần, khoản hỗ trợ của Nhà nước quá nhỏ, lại kèm theo nhiều thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi nên các doanh nghiệp chẳng mặn mà.

Ông Huỳnh Văn Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP H-T Giang San (TP. HCM) cũng cho biết: Công ty đã tập trung nghiên cứu, đầu tư nhiều công nghệ hiện đại để xử lý các loại rác thải: vừa tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, không tốn diện tích đất, đặc biệt còn tạo ra các sản phẩm hữu dụng. Tuy vậy, để mở rộng và phát huy hiệu quả của các công trình nghiên cứu, đổi mới công nghệ vào thực tế, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường, cơ chế chính sách… rất cần sự hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương.

Qua đó, có thể thấy, “hệ thống cơ chế chính sách liên quan đến đổi mới công nghệ hướng tới phát triển xanh của doanh nghiệp nước ta chưa được hình thành đồng bộ, các chính sách ban hành chưa được phát huy hiệu quả và còn bất cập” - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT nhận định.

Đã có những hỗ trợ

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN), thấy được việc phát triển công nghệ xanh đòi hỏi chi phí lớn nên Nhà nước đã có nhiều chính sách và hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp. Đơn cử như Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa (SMEDF) được thành lập từ năm 2013, cho vay thông qua phương thức ủy thác cho các ngân hàng thương mại, nếu DN nhỏ và vừa có dự án, phương án sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, vật liệu mới, năng lượng mới; đổi mới trang thiết bị, sử dụng công nghệ mới..., sẽ được hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất cố định trong suốt thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay vốn ngắn hạn dưới 1 năm (không bao gồm vốn lưu động) là 5,5%/năm; lãi suất cho vay vốn trung và dài hạn là 7%/năm. Mặt khác, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã được thành lập để hỗ trợ cho các DN chuyển đổi công nghệ. Trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ sẽ cho vay ưu đãi lãi suất, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và DN thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ; nghiên cứu phát triển công nghệ mới, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới…

Tuy vậy, theo các chuyên gia để đạt được mục tiêu Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đề ra, đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm, trong đó, có 5% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, trọng điểm quốc gia làm chủ và tạo được công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ từ chính sách đến tài chính. Nhà nước cần tạo lập một môi trường thể chế lành mạnh và minh bạch. Cùng với đó là tuyên truyền để doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy tầm quan trọng của đổi mới công nghệ. Có như vậy, tiến trình đổi mới phát triển công nghệ xanh của Việt Nam mới thành công, nâng cao được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia.

Thống kê từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, hiện nay, cả nước có gần 600 nghìn doanh nghiệp, với hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn đều đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ. Trong đó, có đến 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị là đồ tân trang..., chỉ có 20% là nhóm ngành sử dụng công nghệ cao.