Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 15/01/2025 | 16:39 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Biến rác thải nông nghiệp thành túi xách thời trang

01/07/2023

Thương hiệu thời trang bền vững Dòng Dòng vừa cho ra mắt bộ túi đeo chéo làm từ rác thải nông nghiệp: bạt nuôi tôm và bạt mái hiên. Dự án này khởi xướng từ đề xuất của GIZ – Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức hỗ trợ Chính phủ CHLB Đức nhằm đạt được các mục tiêu trong lĩnh vực hợp tác quốc tế vì sự phát triển bền vững.
Tổ chức GIZ cho biết, năm 2022 diện tích nuôi tôm trên cả nước đạt khoảng 737.000ha, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 92,4%. Mỗi năm, 1ha ao tôm cần từ 1,7 – 2,6 tấn bạt lót ao. Tuy vậy, bạt lót ao tôm sau khi sử dụng một vài năm sẽ phải thay mới. Từ đó, một lượng lớn bạt cũ đem bỏ hoặc đôi khi tái sử dụng để lót ao cá, phơi lúa… với dòng đời ngắn, ít giá trị.
Nhằm tìm kiếm giải pháp xử lý số bạt nuôi tôm thải ở ĐBSCL, GIZ đã hợp tác cùng với Dòng Dòng - thương hiệu ba lô, túi xách làm từ bạt nhựa cũ tái chế "made in Vietnam" vào cuối năm ngoái và họ đã đồng hành với nhau trong một ý tưởng.
Những chiếc túi xách được làm từ chất liệu bạt nuôi tôm đã qua sử dụng (Ảnh: Dòng Dòng)
Nhờ sự hỗ trợ của GIZ, Dòng Dòng tiếp cận nguồn bạt để thu gom và lên kế hoạch tái chế. Trong nhiều tháng, họ thiết lập quy trình thu gom bạt tôm từ Sóc Trăng về xưởng tại Sài Gòn, phân loại, làm sạch rồi may thành những chiếc túi đeo chéo chống mưa, chống sốc và thân thiện với môi trường.
Bạt lót ao tôm có tính năng chống thấm, chống ẩm và chịu lực, phù hợp làm túi xách nhưng việc tái chế nó rất cực và tốn nhiều chi phí. "Chúng tôi muốn khi tái chế phải làm sao để nâng giá trị vật liệu lên thật nhiều, tính toán xem làm sao biến vật liệu này thành một món hàng mà người ta muốn mua và thích mua", chị Trần Kiều Anh, nhà sáng lập Công ty Dòng Dòng chia sẻ.
Giống như các sản phẩm khác của Dòng Dòng, những chiếc túi xách làm từ bạt nuôi tôm cũ cũng có đặc trưng là hiếm có cái nào giống nhau. Bởi những vết hằn, vết xước trên mỗi mảnh bạt tái chế luôn là độc nhất vô nhị, và thương hiệu này tôn trọng sự khác biệt đó để mỗi chiếc túi có thể “kể” câu chuyện của mình.
Việt Nam là nước có ngành thuỷ sản phát triển, nhưng rác thải từ việc nuôi trồng có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Do đó, thành công của những dự án tái chế rác thải nhựa này không chỉ đem tới cho người tiêu dùng những lựa chọn thời trang xanh hơn, bền vững hơn mà còn đóng góp tích cuộc trong việc bảo vệ môi trường.
Tuệ Lâm