Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 15/01/2025 | 14:59 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Sản phẩm xanh, xu hướng tiêu dùng tất yếu

08/06/2023

Người tiêu dùng trên thế giới đang hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.
Nhiều doanh Việt bắt đầu sản xuất các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường và nỗ lực đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy tiêu dùng xanh.
Tiêu dùng xanh quyết định sản xuất xanh
Tiêu dùng xanh đã khá phổ biến ở các nước phát triển và có những bước tiến ban đầu ở các nước đang phát triển khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp “giải cứu trái đất” trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu.
Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới đang dần hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn cho những hàng hóa được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững.
Thay vì sử dụng túi nylon để gói như trước đây, các loại rau nay được gói bằng lá chuối ở một số siêu thị.
Kết quả khảo sát của Accenture PLC, một công ty trong Fortune Global 500 vào tháng 4/2020 cho thấy, 60% người tiêu dùng muốn mua hàng thân thiện với môi trường. Báo cáo nhấn mạnh việc sử dụng ít nhựa hơn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng trước Covid-19. Theo Worldbank, 71% số người tiêu dùng trên toàn thế giới cho rằng, sẵn sàng góp phần xây dựng môi trường sống bền vững thông qua chi tiêu vào các sản phẩm được chứng nhận “xanh”, “không ảnh hưởng môi trường”.
Xu hướng sản xuất xanh của doanh nghiệp Việt
 Sản xuất xanh là quy trình sản xuất mà từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho sức khỏe con người. Sản xuất xanh đang là mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững.
Với cách sản xuất sạch liên hoàn, khép kín theo tiêu chuẩn thấp nhất là VietGAP, từ cây ăn trái như chuối, bưởi, sầu riêng đến chăn nuôi bò Australia, bò Nhật, con tôm…, Công ty TNHH Long An  ngày càng lớn mạnh,  trở thành đối tác quan trọng của thị trường Nhật Bản trong nhập khẩu chuối Fohla.
 Để trái chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Công ty phải tuân thủ quy tắc sản xuất theo hơn 140 tiêu chí an toàn thực phẩm do thị trường Nhật Bản đề ra. Trong số bao gồm các hoạt động ghi chép nhật ký sản xuất hàng ngày, vật tư sản xuất chỉ có những hoạt chất được Nhật Bản cho phép sử dụng.
Công ty còn kết hợp sản xuất chăn nuôi bò thịt giống Australia tại trang trại, với đệm lót sinh học từ mụn dừa và chế phẩm vi sinh xử lý phân bò trực tiếp tại chuồng, tạo không gian xanh, sạch cho môi trường sống của bò thịt.
Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trước xu thế chung của thế giới liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng xanh… , doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội chuyển sang sản xuất xanh, kinh doanh xanh nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn. Nước ta đã và đang tham gia nhiều FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới, với cam kết sâu rộng và rất cao liên quan đến vấn đề môi trường, sản xuất xanh nên nếu doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng sang sản xuất xanh, giảm phát thải là một lợi thế để tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới.
Thực tế cho thấy, thương hiệu xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Nhiều doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đang chuyển hướng sản xuất xanh. Đơn cử như Tập đoàn TH đã thúc đẩy đưa vào công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường.
“Việc thúc đẩy sản xuất xanh, bền vững của Tập đoàn TH kỳ vọng tạo thành xu hướng sản xuất xanh trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống. Đồng thời tạo thành hiệu ứng cho các doanh nghiệp khác tiếp cận công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững trong tương lai”, ông Chiến tin tưởng.
Ngoài ra, trong các lĩnh vực khác như năng lượng, các doanh nghiệp cũng đang thúc đẩy mạnh chuyển sang phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang được xem là vấn đề cấp bách của thế giới, xu hướng sản xuất chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” đã và đang trở thành xu thế toàn cầu.
Trên hành trình “xanh hóa” ấy, doanh nghiệp Việt gặp nhiều rào cản trong việc chuyển đổi và phát triển sản xuất xanh.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu lĩnh vực dệt may, da giày,… đang hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc phát triển chuỗi cung ứng này vẫn còn khó khăn khi phần lớn doanh nghiệp trong ngành mới dừng lại ở đầu tư máy móc hiện đại, sử năng lượng mặt trời trong nhà máy, đầu tư hệ thống nước thải… Trong khi đó, việc nghiên cứu, phát triển nguyên liệu xanh còn chưa nhiều.
Còn đối với sản phẩm rau quả hữu cơ, thay vì thuốc trừ sâu tổng hợp, người trồng trọt phải chịu thêm chi phí canh tác tự nhiên để phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại… Thêm vào đó, thời gian và công sức dành riêng cho nuôi trồng, vận chuyển và phân phối thực phẩm hữu cơ cũng không hề đơn giản. Chính vì vậy, người bán phải tăng giá để bù đắp phần vốn đã bỏ ra.
Tại COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Theo ông Hoàng Minh Chiến, để đạt các mục tiêu đề ra, Chính phủ cần đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân hướng tới sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, qua đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường...
Tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Chúng ta cần xây dựng, cập nhật kế hoạch, lộ trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh như là “sợi chỉ”, nguyên lý xuyên suốt, liên kết, điều phối, dẫn dắt các chiến lược ngành, địa phương. Từ đó thay đổi tư duy, cách làm trong phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội”. Phó Thủ tướng yêu cầu, từ nay đến năm 2025, Ban Chỉ đạo cần có công cụ điều phối là kế hoạch hành động với các lĩnh vực, nhiệm vụ ưu tiên cao nhất.
Theo: Tạp chí Kinh tế nông thôn