Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 20:56 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Hướng đi mới cho nền kinh tế

26/04/2023

Việt Nam sẽ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên ba trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái.
Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, giúp giải quyết hiệu quả bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cần tiếp tục nhận diện những vấn đề đặt ra trong quy định pháp luật, từ đó tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này là vô cùng cần thiết.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). (Ảnh: kinhtemoitruong.vn)
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam?
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh: Việt Nam đang nằm trong xu hướng chung của thế giới, hiện Việt Nam cũng đang triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế khác nhau trong đó có ba nhóm ngành chính như: Công nghiệp xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ.
Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 đã khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn. Điều này có nghĩa là xu hướng của chúng ta đang chuyển đổi dần từ các mô hình kinh tế trước đây gọi là kinh tế tuyến tính (kinh tế truyền thống) sang mô hình kinh tế mới đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội - môi trường.
Một trong những xu hướng đó sẽ đảm bảo vấn đề quan trọng là tiết kiệm tài nguyên, chất lượng sản phẩm nâng lên và quan trọng hơn nữa là hạn chế tối đa, tiến tới không phát thải ra môi trường. Phát triển kinh tế tuần hoàn chính là xu hướng, tới đây các ngành, các lĩnh vực nào có thể thực hiện được trước thì tiến hành, lĩnh vực nào liên quan đến công nghệ, yêu cầu cao hơn thì chúng ta phát triển tiếp theo.
Phóng viên: Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra những lợi ích gì cho quốc gia, thưa ông?
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh: Khi sử dụng kinh tế tuần hoàn, lợi ích đầu tiên sẽ tiết kiệm tài nguyên. Ví dụ, rác thải có thể quay lại tái sản xuất. Nước thải từng loại có thể dùng cho mục tiêu khác hoặc là tái chế được. Cũng như vậy, hiện nay, trên thế giới, khí thải cũng thu lại được để người ta phát triển cho các mục đích kinh tế và như vậy tiết kiệm tài nguyên được, chất lượng sản phẩm cao hơn.
Hiện nay, đáng lưu ý là vấn đề ô nhiễm môi trường. Do vậy, cần giải quyết cơ bản từ trong mô hình kinh tế, tạo việc làm, giải quyết vấn đề lao động, yêu cầu giải quyết chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng môi trường cao và các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bản thân mô hình kinh tế tuần hoàn, có những tiêu chí liên quan đến sản phẩm cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu . Điều quan trọng là chúng ta đang nỗ lực cùng thế giới cam kết thực hiện đến các mục tiêu phát triển bền vững như môi trường đất, môi trường biển, môi trường không khí hoặc sử dụng tài nguyên, thân thiện môi trường. Kinh tế tuần hoàn đã thực hiện được việc đấy, chúng ta cần thực thiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Phóng viên: Để phát triển kinh tế tuần hoàn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Vậy chính sách kinh tế tuần hoàn ở nước ta hiện nay đã và đang thực hiện như thế nào, thưa ông? 
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh: Tại Việt Nam, giai đoạn 2021 -2030, Đảng, Nhà nước đã xác định việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng quan trọng của đất nước.
Vicem Bút Sơn sử dụng tác thải công nghiệp thông thường làm nhiên liệu thay thế trong sản xuất Clinker. (Ảnh TTXVN)
Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên ba trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái. Ba vấn đề cần luận giải đối với nền kinh tế tuần hoàn đó là: Luận giải về kinh tế tuần hoàn; chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; một số khuyến nghị về phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế xanh.
Khái quát chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tuần hoàn được thể hiện qua Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã cụ thể hóa các điều khoản quy định về kinh tế tuần hoàn (lộ trình, trách nhiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn; cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn).
Năm 2023, chúng ta sẽ phải ban hành kế hoạch hành động, đưa các nội dung liên quan đến các địa phương vào việc thực hiện các chiến lược phát triển. Ví dụ ngành Phát triển nông thôn đã áp dụng Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2021-2025 hướng đến thúc đẩy phát triển xanh, bền vững. Theo đó các địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, hướng tới kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn đưa ra cách tiếp cận mang tính đa ngành thay vì chỉ gói gọn ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Hiện tất cả những chính sách đó đang đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng để doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau có cơ sở phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Phóng viên: Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ để những chính sách kinh tế tuần hoàn sớm đi vào đời sống, cần thêm những điều kiện gì?
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh: Quan trọng nhất là chúng ta nhận thức thế nào là kinh tế tuần hoàn, bản chất của kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích gì? Kinh tế tuần hoàn thực hiện dựa trên cơ chế, chính sách, chủ trương nào của Chính phủ, đáng chú ý là chú trọng đến cơ chế mở; chuyển giao khoa học công nghệ.
Thực tế, kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng và cũng liên tục được nhắc đến trong những cuộc đối thoại chính sách kinh tế - xã hội tầm quốc gia. Điều này khẳng định chắc chắn kinh tế tuần hoàn được lựa chọn làm hướng đi mới cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, thực hiện kinh tế tuần hoàn cần triển khai ở nhiều lĩnh vực. Ngoài cơ chế chính sách; điều kiện cần và đủ trong kinh tế tuần hoàn là khoa học công nghệ và sự chấp nhận của thị trường. Trường hợp kinh tế tuần hoàn đang vướng mắc ở đâu, nếu thị trường chấp nhận sẽ có hướng để tạo ra những công nghệ phù hợp.
Nguồn vốn đầu tư cũng quan trọng, do đó, cần đầu tư như thế nào, cần có cơ chế gì để khuyến khích doanh nghiệp. Hiện nay, có thể những quy định chưa hoàn thiện nhưng chúng ta có cơ chế thực hiện kinh tế tuần hoàn để doanh nghiệp có thể sẽ chiếm ưu thế, lợi thế trên thị trường.
Theo: TTXVN