Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:47 GMT+7

Tin hoạt động

Ứng dụng công nghiệp xanh trong sản xuất sau muối hướng tới bảo vệ môi trường

19/04/2023

Công nghiệp sản xuất sản phẩm sau muối tại tỉnh Ninh Thuận là hướng đi đúng đắn, góp phần tạo ra sản phẩm muối sạch, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.
Mới đây, tại tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; đồng chí Phan Tuần Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận và Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã đồng chủ trì Hội thảo: “Công nghiệp xanh sản xuất các sản phẩm sau muối và công tác bảo vệ môi trường”.
Tham gia Hội thảo có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Ban Dân vân Tỉnh ủy và Lãnh đạo các Sở Ban ngành, các Tổ chức chính trị - xã hội của Tỉnh. Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia về môi trường, các nhà đầu tư trong lĩnh vực hóa chất.
Vùng sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn
Ninh Thuận là tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ có bờ biển dài 105 km, đặc biệt với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, Ninh Thuận là vùng sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn nhất cả nước.
Toàn tỉnh hiện có 3.078 ha sản xuất muối, với 03 đơn vị hoạt động sản xuất muối công nghiệp (Công ty cổ phần Muối Ninh Thuận, Công ty cổ phần Muối Đầm Vua, Công ty TNHH Tập đoàn Bim), khả năng sản xuất năm 2020 trên 380.000 tấn/năm và sản lượng muối của diêm dân đạt khoảng trên 200.000 tấn/năm. Ngoài sản phẩm muối, còn có nước ót từ quá trình làm muối có khả năng thu hồi gần 300.000 m3/năm. Đây là các nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm hóa chất sau muối như: Xút, Clo, nhựa PVC,…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, Ninh Thuận có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển mạnh công nghiệp hóa chất, hình thành các tổ hợp và trung tâm logistic về hóa chất như: có đường bờ biển dài; nằm tại giao điểm của các trục giao thông đường bộ chiến lược; còn nhiều diện tích đất công nghiệp chưa lấp đầy. “Đặc biệt với lợi thế về nguyên liệu, Ninh Thuận trở thành địa điểm rất thuận lợi để phát triển các sản phẩm hóa chất sau muối như xút, clo, soda, các sản phẩm nhựa gốc Clo”- Thứ trưởng phân tích.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hoá chất BIM (Tập đoàn BIM Group) đã giới thiệu về dự án “Tổ hợp công nghệ xanh và sản phẩm sau muối”- đây là một dự án trọng điểm của Tập đoàn trong giai đoạn tới tại Ninh Thuận. “Hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam, các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan có nhu cầu rất lớn với các sản phẩm sau muối như Xút NaOH, nguyên liệu nhựa PVC… Tuy nhiên nước ta đang phải nhập siêu đến trên 50% sản lượng các loại nguyên liệu này và số lượng đang không ngừng gia tăng qua mỗi năm”- bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.
Hiện, Tập đoàn BIM Group đã đầu tư khu kinh tế sản xuất muối lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Ninh Thuận từ năm 2009, hiện đóng góp 60 - 70% sản lượng muối của Việt Nam. Chính các lợi thế sẵn có trong đầu tư muối và năng lượng là tiền đề vững chắc cho việc triển khai Dự án Tổ hợp công nghệ xanh và sản phẩm sau muối tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án phù hợp với định hướng phát triển theo mô hình kinh tế xanh tuần hoàn, đồng thời tận dụng được các ưu thế của địa phương.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp hoá chất địa phương
Trong khuôn khổ hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã trao đổi, tham luận về hiện trạng và chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; phát triển công nghiệp hóa chất và công tác bảo vệ môi trường; giới thiệu tổng quan dự án tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối dự kiến đầu tư tại huyện Thuận Nam; công nghệ sản xuất và công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án sản xuất sản phẩm sau muối.
Đồng thời khuyến nghị, định hướng lựa chọn công nghệ sản xuất các sản phẩm sau muối mới, hiện đại, thân thiện môi trường và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường khả thi, hiệu quả. Từ đó, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh Ninh Thuận, thúc đẩy công nghiệp hoá chất của địa phương phát triển.
Thứ Trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tạo điều kiện cho những doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư vào địa bàn, đặc biệt ưu tiên đối với những dự án công nghệ cao, đảm bảo môi trường. “Yêu cầu các doanh nghiệp cần tìm kiếm các công nghệ hiện đại để đầu tư dự án đảm bảo hiệu quả, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh Ninh Thuận nhưng phải đảm bảo công tác môi trường”- Thứ trưởng lưu ý.
Góp ý tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, việc triển khai các dự án công nghiệp sản xuất sản phẩm sau muối tại Ninh Thuận là hướng đi đúng đắn, được chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, đúng hướng, bền vững sẽ giúp địa phương phát huy nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần tạo ra sản phẩm muối sạch mang thương hiệu trong nước. Đồng thời, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy các vấn đề an sinh xã hội.
“Theo đó, tỉnh Ninh Thuận khi lựa chọn nhà đầu tư cần lưu ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, đánh giá sâu kỹ tác động môi trường đến đời sống của người dân, đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn những công nghệ; xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, hướng dẫn quy trình sản xuất hướng đến phát triển những tổ hợp sản xuất xanh, công nghiệp sản xuất xanh, an toàn, thân thiện với môi trường”- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khuyến nghị.
Ông Phan Tấn Cảnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, những ý kiến đóng góp và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tại Hội thảo rất có giá trị. Giúp cho tỉnh Ninh Thuận có thêm luận cứ, cơ sở khoa học để định hướng phát triển công nghiệp hóa chất gắn liền với đảm bảo an ninh môi trường, đánh giá lựa chọn công nghệ sản xuất mới, hiện đại, ít phát sinh chất thải, thân thiện môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường khả thi, hiệu quả.
 Nguồn: Báo Công Thương