Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 15/11/2024 | 16:46 GMT+7

Tin hoạt động

Cách nào thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ?

04/07/2016

Việc cải tiến và đổi mới  khoa học công nghệ là điều kiện để giúp các doanh nghiệp tự tin vươn lên trong hội nhập.

Đặc biệt trong xu thế hiện nay, đổi mới công nghệ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh đang ngày càng mang tính sống còn hơn với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó về tài chính để triển khai đầu tư đổi mới công nghệ.

Qua 6 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, nhiều Tập đoàn, Tổng công ty lớn của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản đã có những bước tiến đáng kể trong hiện đại hóa công nghệ.

Việc này đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng, phí sản xuất, cải thiện an toàn, môi trường và giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là đơn vị đã có nhiều thành công trong hoạt động đổi mới và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Có thể kể đến như công nghệ địa vật lý, khoan, khai thác mới, hiện đại; đầu tư tàu khảo sát địa chấn 2D Bình Minh-02, giàn tiếp trợ; đầu tư xây dựng nhiều dự án trọng điểm như lọc dầu Dung Quất, Đạm Phú Mỹ… với công nghệ mới từ các nhà bản quyền thế giới.

Những đổi mới này đã giúp Tập đoàn đảm bảo kết quả gia tăng sản lượng khai thác dầu khí vượt trội, tăng trưởng doanh thu.

Nhưng đại diện của Tập đoàn này chia sẻ, cơ chế tài chính để được quyết toán trong hoạt động khoa học công nghệ là rất khó.

Theo báo cáo từ Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2010-2015, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản giao cho các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện 69 nhiệm vụ với tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hơn 183 tỷ đồng; kinh phí từ các nguồn khác là gần 200 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Hoàng Yến, Trưởng ban Khoa học Công nghệ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bày tỏ, số tiền trên là khoản tiền lớn, nhưng để phát triển khoa học công nghệ thì không thấm vào đâu.

Lấy ví dụ nếu đổi mới công nghệ, có bản quyền của ngành dầu khí trong nhà máy lọc dầu, tối thiểu phải mất vài triệu USD (tương đương hàng chục tỷ đồng). Trong khi đó, số tiền được hỗ trợ chỉ đủ để làm phí cho công nghệ, còn nhiều khoản còn phải chi thêm.

Chẳng hạn như các giải pháp công nghệ về nâng cao hệ số thu hồi dầu, chỉ là nghiên cứu của Vietsovpetro đánh giá trên các công nghệ sẵn có hiện nay để đưa ra công nghệ mới cho phù hợp, riêng phần nghiên cứu dự án đã là 2,6 triệu USD, mà chưa có áp dụng vào thực tế.

Như vậy rõ ràng, một nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ áp dụng vào thực tế phải mất rất nhiều thời gian và chi phí.

“Nhiều đơn vị có quỹ hẳn hoi nhưng họ không dám chi mà phải lấy từ chi phí sản xuất kinh doanh. Hoặc có những đơn vị trong khi khó khăn vẫn phải trích từ sản xuất kinh doanh ra.

Có thể nói, chi phí nào cũng được miễn là thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, nhưng rõ ràng về lâu dài thì hiệu quả khuyến khích từ việc trích quỹ phát triển khoa học công nghệ là khó đạt được”- bà Nguyễn Hoàng Yến nói.

Theo đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), chính thủ tục giao nhận và thanh quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ còn phức tạp, nguồn lực tài chính ít ỏi và chậm quyết toán, cơ chế phối hợp lồng ghép chưa rõ ràng, khiến cho hoạt động đổi mới khoa học công nghệ của Tập đoàn này còn nhiều hạn chế.

Thừa nhận những tồn tại trong công tác đổi mới khoa học công nghệ tại các đơn vị, theo ông Nguyễn Huy Hoàn, Vụ phó Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), do nhu cầu vốn cho đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ rất lớn nên các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại một số cơ sở có điều kiện kinh doanh thuận lợi, có năng lực tài chính.

Các giải pháp công nghệ được nghiên cứu, đề xuất trong nhiều trường hợp chưa được áp dụng đồng bộ mà mới chỉ được áp dụng thử nghiệm một phần tại một phân xưởng hay vị trí khai thác do hạn chế về nguồn lực tài chính.

Cũng bởi những lý do này mà hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực than, khoáng sản rắn có công nghệ, thiết bị lạc hậu, chi phí sản xuất cao, tổn thất tài nguyên lớn nhưng chưa có điều kiện để đổi mới đầu tư, hiện đại hóa công nghệ; tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ khai thác hầm lò còn thấp…

Từ thực tế này, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, cần tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025”, theo hướng khuyến khích và đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

Bà Nguyễn Hoàng Yến cũng cho hay, trước hết, nhà nước cần có các chính sách cụ thể về mặt tài chính, thuế, phí… để hỗ trợ những đơn vị được đánh giá là ứng dụng đổi mới khoa học công nghệ cao.

Tiếp theo đó, cơ chế giao nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai nghiên cứu cũng như là thanh quyết toán cần đơn giản hơn. Ví dụ như hình thức là khoán theo sản phẩm, trọn gói, chứ không bóc tách ra đề án viết bao nhiêu chuyên đề mới được nghiệm thu. Bởi các đơn vị kinh doanh không có đủ thời gian và quen thuộc với việc trình bày đầy đủ.

“Nếu nhà nước không có chính sách khuyến khích thì doanh nghiệp cứ đi mua công nghệ nước ngoài. Vì như thế sẽ hiệu quả và nhanh hơn. Còn đầu tư cho công nghệ tại Việt Nam phải thử nghiệm trên thực tế, trong khi không phải đơn vị nào cũng được khuyến khích và có dũng cảm để nghiên cứu, thử nghiệm” - bà Yến nói.

Theo đại diện TKV, ngoài việc hoàn thiện hơn nữa quy chế quản lý khoa học công nghệ phù hợp với hiện trạng phát triển của đơn vị, cải tiến các thủ tục quản lý theo hướng thúc đẩy ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, thì cần thúc đẩy hấp thụ vốn nghiên cứu tập trung của tập đoàn, có chính sách ưu đãi vốn vay cho các dự án, các đơn vị thành viên tiếp cận nhanh với công nghệ mới…/.