Chăn nuôi gây ra 18% khí gây hiệu ứng nhà kính
Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Một kết quả kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn trong chuồng nuôi gia súc cho thấy, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30-40 lần so với không khí bên ngoài.
Ô nhiễm môi trường tại nhiều trang trại chăn nuôi. (Ảnh minh họa)
Theo tính toán thì lượng chất thải rắn mà các vật nuôi có thể thải ra (kg/con/ngày) là: Bò 10, trâu 15, lợn 2, gia cầm 0.2. Do vậy hàng năm, đàn vật nuôi Việt Nam thải vào môi trường khoảng 73 triệu tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và 25-30 triệu khối chất thải lỏng (phân lỏng, nước tiểu và nước rửa chuồng trại). Trong đó, khoảng 50% lượng chất thải rắn (36,5 triệu tấn), 80% chất thải lỏng (20-24 triệu m3) xả thẳng ra môi trường, hoặc sử dụng không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ước tính một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý, sử dụng như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2 quy đổi thì với tổng khối chất thải nêu trên sẽ phát thải vào không khí 17,52 triệu tấn CO2. Các nhà nghiên cứu đã ước tính được rằng chăn nuôi gây ra 18% khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên (biến đổi khí hậu toàn cầu), lớn hơn cả phần do giao thông vận tải gây ra.
Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường
Hiện nay, việc xử lý chất thải ra môi trường trong chăn nuôi là khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng chăn nuôi cũng như sức khỏe của con người. Do đó, việc tăng cường khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các mô hình an toàn, vệ sinh, đồng thời thường xuyên kiểm tra việc chấp hành thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi. được các địa phương tích cực triển khai.
Điển hình trong số đó là mô hình gia trại chăn nuôi của gia đình anh Vũ Văn Diên, Khu Lâm Sinh 2, phường Minh Thành (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) với trên 200 con lợn thịt, để đảm bảo vệ sinh môi trường, từ năm 2020 gia đình anh đã sử dụng đệm lót sinh học trong chuồng trại. Anh Diên chia sẻ: Qua một thời gian thực hiện, tôi thấy việc áp dụng đệm lót sinh học trong nuôi lợn rất hiệu quả. Đệm lót được làm bằng nguyên liệu hữu cơ đã được lên men bằng vi sinh vật sử dụng làm nền chuồng giúp phân hủy chất thải chăn nuôi, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm… Qua đó, đến nay đàn lợn của gia đình phát triển ổn định, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.
Mô hình nuôi lợn áp dụng đệm lót sinh học bảo vệ môi trường của gia đình anh Vũ Văn Diên, khu Lâm Sinh 2, phường Minh Thành, TX Quảng Yên. (Ảnh. Báo Quảng Ninh)
Hay theo chia sẻ của ông Tạ Công Ngọc, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) trang trại của ông hiện nuôi hơn 30.000 con gà, ngan, vịt. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro, nhất là vấn đề phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đã được gia đình ông chú trọng, quan tâm đầu tư…
“Thách thức lớn nhất đối với người chăn nuôi đó là ô nhiễm môi trường. Mới đây, gia đình tôi đã chi ra hơn 1 tỷ đồng để tiến hành cải tạo, nâng cấp các chuồng trại cũ, đầu tư xây dựng lại chuồng trại khép kín, có giàn mát, hệ thống thức ăn và nước uống tự động cho vật nuôi. Đặc biệt, khâu vệ sinh chuồng trại chăn nuôi được thực hiện thường xuyên, chất thải của vật nuôi được xử lý nên hạn chế được ô nhiễm môi trường và phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh…”, ông Ngọc cho biết.
Hiện nay tại các địa phương, việc phát triển chăn nuôi được gắn với bảo vệ môi trường. Một trong những giải pháp được triển khai thực hiện là xây dựng các hầm biogas nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc ủ phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng. Qua đó, hầu hết người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm đều áp dụng để bảo vệ môi trường.
Việc triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đang từng bước góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường; đồng thời, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho các hộ nông dân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hương Linh