Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:10 GMT+7

Tin hoạt động

Bắc Kạn hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững

20/02/2023

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình này đã được UBND tỉnh cụ thể hóa, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tại Kế hoạch số 405/KH-UBND ngày 6/7/2021.
Việc triển khai thực hiện Chương trình nhằm hướng đến mục tiêu “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng bền vững, tạo việc làm ổn định, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh”.
Khuyến khích, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch (Ảnh: Mô hình trồng dâu tây nhà lưới tại Hợp tác xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn)
Phấn đấu đến năm 2025, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, năng lượng mặt trời…) đạt khoảng 35 MW chiếm 40% công suất toàn tỉnh, sản lượng điện đạt khoảng 115 triệu Kwh; 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng, áp dụng 1 đến 2 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì từ vật liệu nhựa dùng một lần, khó phân hủy; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái.
Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, năng lượng mặt trời, điện sinh khối…) đạt khoảng 57 MW chiếm 38% công suất toàn tỉnh, sản lượng điện đạt khoảng 192 triệu kWh; 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì từ vật liệu nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy.
Sở Công Thương cho biết, trong năm 2021 - 2022, việc triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia sản xuất và tiêu dùng bền vững gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, các nhiệm vụ của Kế hoạch được các đơn vị, địa phương quan tâm triển khai thực hiện nên bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 nhà máy thủy điện nhỏ (Tà Làng, Nặm Cắt, Thượng Ân, Thác Giềng, Pác Cáp) đã vận hành phát điện với tổng công suất 21,6 MW gồm; sản lượng điện năm 2022 đạt trên 50 triệu kWh, chiếm trên 20% sản lượng điện tiêu thụ của tỉnh; 2 dự án (thủy điện Khuổi Nộc, thủy điện Thác Giềng) đã cơ bản hoàn thiện các thủ tục đầu tư để chuẩn bị khởi công xây dựng; 7 thủy điện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 37,7 MW.
Để khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch, tỉnh đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung 10 dự án nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với tổng công suất 1.340 MW vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Hiện nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch điện gió với tổng công suất khoảng 125 MW.
Trong hoạt động sản xuất, tỉnh đã quan tâm nghiên cứu để có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thực hiện các yêu cầu, quy định kỹ thuật về môi trường và phát triển bền vững. Quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, mô hình nuôi trồng bền vững; hỗ trợ xây dựng và áp dụng nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về quản lý và sử dụng nước hiệu quả; các mô hình về giảm thiểu, thu hồi, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải… Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 181 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc gia; đến năm 2025, phấn đấu có 200 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao quốc gia.
Thời gian qua, để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất công nghiệp, đầu tư xây dựng; chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế phục vụ xuất khẩu; củng cố, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào thị trường các nước trong khối CPTPP, EVFTA và UKVFTA…; chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hoá toàn cầu nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hoá. Hiện nay, tỉnh đã làm chủ được công nghệ sản xuất cũng như ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của địa phương, như sản xuất chì kim loại, cucurmin nghệ, gừng, miến dong riềng,…
Để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị xúc tiến đầu tư để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là các sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Mới đây, tỉnh đã tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm và sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh Bắc Kạn năm 2022 tại huyện Ba Bể; tổ chức Tuần lễ giới thiệu Miến dong và các sản phẩm OCOP, sản phẩm bản địa tại thành phố Hải Phòng; tham gia gian hàng trưng bày tại Hội chợ triển lãm tại nước Hy Lạp; hỗ trợ các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Tài Hoan, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành tham gia các sản giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Cũng trong năm 2022, Sở Công Thương đã xây dựng mô hình Điểm mua bán hàng hóa, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Bắc Kạn tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể và Điểm bán hàng Việt Nam tại huyện Na Rì, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp của địa phương có tiềm năng, lợi thế.

Khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn (Ảnh: Người tiêu dùng tham quan, mua sắm sản phẩm của HTX Nông nghiệp Tân Thành tại Chợ Tết Công đoàn 2023)
Cùng với việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, các ngành chức năng đã phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các đối tượng người tiêu dùng để nâng cao ý thức và thực hành lối sống bền vững. Thời gian qua, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ hạn chế việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường. Việc xây dựng và nhân rộng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm được chú trọng thực hiện; năm 2022, Sở Công Thương đã triển khai hỗ trợ xây dựng 3 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm gồm chợ Bộc Bố (Pác Nặm), chợ thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông) và chợ thị trấn Đồng Tâm (Chợ Mới).
Trong năm 2023, Sở Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò đánh giá các cấp trữ lượng năng lượng sơ cấp trên địa bàn; khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa nguồn năng lượng hoá thạch; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn gắn với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Cùng với đó chú trọng phổ biến và nhân rộng mô hình về sản xuất sạch hơn; mô hình kinh tế tuần hoàn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng; phát triển cụm công nghiệp tập trung với hệ thống xử lý môi trường tập trung đồng bộ. Khuyến khích phát triển các mạng lưới liên kết bền vững giữa các cơ sở phân phối, bán lẻ với các nhà cung ứng về nguyên liệu, hàng hóa và sản phẩm thân thiện môi trường; thúc đẩy phân phối và tiêu dùng bền vững đối với sản phẩm thân thiện môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động xuất, nhập khẩu bền vững.
Đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái trong các hội chợ đa ngành và chuyên ngành. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Theo: Doanhnghiepkinhtexanh.vn