Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 04/12/2024 | 00:20 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Xây dựng chính sách quản lý phù hợp để phát triển kinh tế tuần hoàn

08/07/2023

Để hiện thực hóa việc phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, trong thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng chính sách quản lý mô hình kinh tế tuần hoàn theo nhu cầu thị trường.
Đối mặt với thực trạng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và những khó khăn về công nghệ, Việt Nam đã triển khai một số mô hình kinh tế tuần hoàn đem lại hiệu quả nhất định.
Bên cạnh đó, việc tăng cường các mục tiêu về bảo vệ môi trường cũng đã được quy định rất chi tiết tại văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược về bảo vệ môi trường như: Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050... 
Việt Nam đã có một số mô hình KTTH được thực hiện, đem lại hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn gặp nhiều rào cản dẫn đến kết quả thực hiện chưa được như kỳ vọng. Do đó, để hiện thực hóa việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, bà Đỗ Thị Hoa Lê - Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết cần xây dựng hệ thống chính sách phù hợp theo nhu cầu thị trường.
Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống pháp luật quản lý phù hợp trong phát triển kinh tế tuần hoàn; xây dựng và phát triển khung chính sách và pháp luật quản lý mô hình kinh tế tuần hoàn theo nhu cầu của thị trường, chuyển dịch sang hướng ngăn ngừa ô nhiễm và sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên liệu có thể tái chế; xây dựng và áp dụng chặt chẽ các bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, chất lượng nguyên liệu đầu vào.
Đồng thời, Nhà nước và các bộ, ban, ngành nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ nguồn vốn, địa điểm sản xuất, mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin; thành lập trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động sản xuất, nghiên cứu tạo cơ chế khuyến khích thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn bằng cách đãi ngộ, ưu tiên về thuế và các chính sách hỗ trợ khác.
Về lâu dài, cần hình thành các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trong thực hiện kinh tế tuần hoàn. Mặt khác, các cơ quan tăng cường hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp ngoài nhà nước trong thí điểm thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay.
Ngoài những nội dung trên, để thực hiện kinh tế tuần hoàn cần kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... để có thể đạt kết quả tối ưu nhất.
Tuệ Lâm