Tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đều nhận định kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung để phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững. Nhất là khi Việt Nam trong thời gian qua đã và đang triển khai có hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp, trong đó có những công ty mới khởi nghiệp.
Mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn (Ảnh: vneconomy.vn/)
Theo ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI): "Ngày 15/11/2022, dân số thế giới đã cán mốc 8 tỷ người, như vậy trong vòng 60 năm qua, dân số thế giới đã tăng gần 2,7 lần. Sự bùng nổ của dân số thế giới cho thấy, điều kiện sống của con người được nâng cao, chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn, giúp tuổi thọ tăng lên…"
Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá rủi ro toàn cầu, nhân loại đang đối mặt với 3 thách thức lớn, bao gồm: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, cùng với sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, sự phát triển nóng của các hoạt động phát triển kinh tế không bền vững gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh tuyến tính truyền thống với nền kinh tế khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và xả thải gây ô nhiễm môi trường và là tác nhân gây biến đổi khí hậu. Trong khi đó, mỗi năm có khoảng 100 tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên được khai thác sử dụng cho nền kinh tế toàn cầu. Nếu giữ nguyên tốc độ này thì đến năm 2030, chúng ta sẽ cần có đến 3 trái đất mới đủ cung cấp tài nguyên cho các hoạt động của con người.
"Chính vì lẽ đó, việc tăng cường chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế bền vững hơn là vô cùng cấp thiết, cùng với kinh tế xanh, kinh tế phát thải các bon thấp mô hình kinh tế tuần hoàn được coi là "chìa khóa" để sử dụng tiết kiệm tài nguyên, chống ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu” ông Nguyễn Tiến Huy nhấn mạnh.
Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, Việt Nam cũng đang phải từng ngày đối diện với những khó khăn, thách thức hàng đầu này, nhất là khi nước ta vẫn đang trên con đường đổi mới với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành một nước hiện đại vào năm 2030. Tuy nhiên, với mong muốn gìn giữ môi trường sinh sống và phát triển thuận lợi, Việt Nam cần phải nhanh chóng có sự thay đổi, dịch chuyển mô hình sản xuất theo hướng bền vững, hài hòa hơn.
Kinh tế tuần hoàn đang là mô hình phát triển được nhiều doanh nghiệp lựa chọn (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn/)
Ngày 7/6/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 687/QĐ- TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2025 các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường. Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo…
Theo chia sẻ của các chuyên gia, việc ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là bước đi đúng đắn của Chính phủ, giúp vạch ra con đường phát triển mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, đây còn là kim chỉ nam để các doanh nghiệp có thể tiếp cận thực hiện và tận dụng ưu đãi từ cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia như: EVFTA, AFTA, CPTPP… Nhất là khi, các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay đặc biệt coi trọng về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất đối với công tác bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh…
Năm 2021, mức độ tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới chỉ đạt 63%, trong khi đó đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu mới đạt chưa tới 30%, theo đó, dư địa để Việt Nam khai thác các FTA này còn rất lớn, đòi hỏi cần Việt Nam cần có chủ trương, lộ trình cụ thể phát triển kinh tế tuần hoàn. |
Bên cạnh những lợi ích chung dành cho nền kinh tế, việc triển khai áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn còn tạo ra những nguồn lợi không nhỏ cho doanh nghiệp như: giúp doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định; tối ưu hóa quan hệ khách hàng, chuỗi cung ứng và tăng khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn chung, việc phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ là xu thế không thể tách rời đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây vừa là yêu cầu bức thiết, vừa là xu hướng phát triển chung mà các doanh nghiệp phải tuân theo, nhằm đáp ứng những yêu cầu về việc phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường, hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP 26.
Quang Ngọc