Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 22:15 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Thiếu nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế tuần hoàn

14/11/2022

Bên cạnh sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân, việc phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đòi hỏi những cung cấp, thay đổi về nhận thức, công nghệ và cả nguồn lực tài chính.
Với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Chính phủ đã ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đề án nhằm mục tiêu nhằm tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để “xanh hóa” các ngành kinh tế.
Từ kế hoạch và mục tiêu của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam thời gian qua đã dần chuyển mình, thực hiện tái thiết mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn, phát triển bền vững. Có thể kể đến những công ty sản xuất thực phẩm, đồ uống, bia - rượu - nước giải khát như Tân Hiệp Phát, Vinamilk, Heineken, Nestlé; những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo như: Xi măng Vicem Bút Sơn, Nhiệt điện Thái Bình,...
Mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn (Ảnh:vneconomy.vn/)
Tuy nhiên, so với số lượng gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững vẫn còn ở mức hạn chế. Nguyên nhân đến từ việc các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với mô hình kinh doanh mới mẻ, trong khi nguồn lực còn hạn chế, bao gồm cả nguồn nhân lực và vốn đầu tư. 
Theo khảo sát năm 2021 của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) và Công ty Cổ phần tư vấn EPRO, trong số 54% số doanh nghiệp gặp khó khăn khi chuyển đổi mô hình theo hướng tuần hoàn có gần 48% doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn về tài chính, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các khó khăn (công nghệ, kỹ thuật là 43% và chính sách là 34%).
Để tháo gỡ khó khăn này, theo các chuyên gia, yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất đến từ hoạt động của Chính phủ trong việc cởi bỏ nút thắt của hệ thống thuế và chi tiêu cũng như phát triển hệ thống tín dụng. Trong đó, việc cải cách chính sách thuế nhằm loại bỏ những chính sách không phù hợp với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhằm mở hướng phát triển xanh cho các doanh nghiệp nhưng siết chặt với những hành vi kinh doanh gây ô nhiễm: đánh thuế đối với chất thải, các vật liệu, nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường; đánh thuế tài nguyên sử dụng lần đầu; chuyển gánh nặng thuế từ lao động sang nguyên vật liệu. 
Chính phủ cũng cần cung cấp thêm các giải pháp, cơ chế, khuyến khích việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm phục vụ cho nhu cầu và mục tiêu chuyển hướng sản xuất xanh, phát triển bền vững tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những cơ sở kinh doanh trực thuộc nhà nước. Trong đó, ưu tiên cho hoạt động phát triển khoa học, nghiên cứu cần phải đặt lên hàng đầu. Theo chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: “Để phát triển kinh tế tuần hoàn, công nghệ là quan trọng, nhưng nếu công nghệ càng cao thì đòi hỏi nguồn lực càng lớn, càng gây ra vướng mắc. Tuy nhiên, cái vướng nhất hiện nay lại chính là kinh phí”
Tuy nhiên, không phải là không có cách tháo gỡ, khi các doanh nghiệp có thể tăng cường hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp bằng việc tái sử dụng các chất thải. Chẳng hạn, các nhà máy Nhiệt điện, xi măng tái sử dụng tro xỉ để làm nguyên liệu lò đốt; tái sử dụng nguồn nước thải để phục vụ sản xuất tại các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất may mặc. Điều này sẽ không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí giúp tái đầu tư cơ sở hạ tầng, mà còn giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay từ các đơn vị, tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ các mô hình phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế xanh tại Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững tại doanh nghiệp
Ngoài ra, để gắn chặt việc tái sử dụng chất thải với việc thu hút nguồn lực tài chính tại các doanh nghiệp, Chính phủ cũng có thể đưa chất thải thành nguồn tài nguyên thứ cấp để tái sử dụng ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, giúp đưa chính sách và hỗ trợ của Chính phủ đi vào thực tế, đảm bảo thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội ban hành vào năm 2020. Hiện nay nhiều hãng nước ngọt tại Việt Nam cũng dần thay đổi từ chai nhựa sang chai thủy tinh tái chế, nhằm thu hồi, tái sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế tác động ra môi trường.
Bên cạnh những hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban ngành, vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn cũng cần có sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, người dân, bởi trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nếu chỉ có riêng tiềm lực của nhà nước sẽ khó có thể đảm bảo mục tiêu phát triển và thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Theo đó, việc phát hành trái phiếu xanh bởi các chủ thể công như chính phủ, chính quyền địa phương được coi là hướng đi thuận tiện và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu cần đi đôi với những cam kết, đảm bảo để có thể tiếp cận và thu hút được tốt nhất sự quan tâm của người dân cùng doanh nghiệp. 
Theo các chuyên gia, thu hút thành công nguồn lực tài chính, cởi bỏ nút thắt nguồn vốn cho doanh nghiệp sẽ tạo ra sức bật tốt hơn cho Việt Nam thực hiện thành công mô hình kinh tế tuần hoàn và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. 
Quang Ngọc