Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 21/12/2024 | 19:40 GMT+7

Tin hoạt động

Tiềm năng tín dụng xanh trong lĩnh vực dệt may của Việt Nam

05/09/2022

Dệt may đã trở thành ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu lớn và đóng góp giá trị xuất khẩu lớn thứ hai, tương đương 16%, vào tổng GDP của cả nước. Trong những năm gần đây, ngành dệt may liên tục có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 17%. Đây cũng là ngành thu hút số lượng lớn lao động, với khoảng 2,5 triệu lao động tính đến cuối năm 2021.

Tuy nhiên, để đảm bảo các yêu cầu mới về môi trường, giảm phát thải và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs), chuyển đổi xanh và sạch là điều các doanh nghiệp dệt may phải hướng đến. Quá trình này đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn. 

Mới đây, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam đã giới thiệu “Nghiên cứu khả thi về tiềm năng tín dụng xanh của ngành dệt may Việt Nam”. Tài liệu gồm những khảo sát, đánh giá thực trạng chuyển đổi xanh của ngành, đồng thời đưa ra những khuyến nghị về lĩnh vực đầu tư và mô hình đầu tư phù hợp cho từng đối tượng doanh nghiệp. 

Giá trị ngành dệt may Việt Nam năm 2019. Nguồn: Tổng cục Thống kê, Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Yêu cầu mở rộng sản xuất vải theo hướng sạch và xanh

Đảm bảo các yếu tố môi trường

Mặc dù đóng góp tích cực vào tổng GDP cả nước và mang lại nguồn ngoại tệ lớn, nhưng ngành dệt may là ngành mang nhiều rủi ro về môi trường. Theo tính toán của các tổ chức uy tín WRI và Ellen MacArthur, ước tính để sản xuất 1kg vải cần 0,08-0,15 m3 nước, khoảng 10.00 - 3.000 m3 nước thải ra sau khi xử lý 12-20 tấn hàng dệt. Lượng hóa chất được sử dụng cho mỗi tấn sản phẩm từ 500-2.000 kg. 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trình độ công nghệ của ngành dệt may ở mức trung bình. Nhiều máy móc, công nghệ đã được nhập khẩu trên 15 năm. Kết quả là chất lượng bị giảm sút, năng suất thấp, tiêu thụ điện năng lớn. Đây là những yếu tố dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động của ngành dệt may và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. 

Theo Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, dệt may nằm trong số 20 ngành được các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro môi trường. Ngoài ra, nhận thức người tiêu dùng ngày càng chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường cùng với sự cam kết của các Tập đoàn, quốc gia về giảm rác thải đã tạo ra sự quan tâm mạnh mẽ đối với việc chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của ngành dệt may.

Tận dụng các cơ hội từ FTAs

Ở một khía cạnh khác, Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs). Các sân chơi toàn cầu như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), mở ra nhiều cơ hội ưu đãi thuế cho các sản phẩm dệt may Việt Nam. 

Theo phân tích từ báo cáo, các FTAs sẽ ảnh hưởng đến cả ngành dệt may và nguyên phụ liệu dệt may theo nhiều hướng. Cụ thể, CPTPP yêu cầu để được hưởng thuế ưu đãi thì cả 3 công đoạn, xơ, xe sợi - dệt, hoàn thiện vải - cắt may, đều phải thực hiện ở các nước thành viên CPTPP. Trong khi đó EVFTA yêu cầu 2 công đoạn dệt-thành phẩm phải được thực hiện ở Việt Nam hoặc EU, hoặc sử dụng vải ở nước thứ 3 hai bên cùng ký FTA (nguyên tắc cộng gộp). Nếu đáp ứng được các yếu tố này thì hàng rào thuế quan tại nhiều quốc gia như EU, Canada, Chile, Mexico, Peru… sẽ giảm đáng kể. 

Dệt may cần có hướng đi mở rộng sang các công đoạn thượng nguồn để đạt được giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô. Việt Nam là nhà nhập khẩu bông lớn thứ 3 thế giới, với khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Ước tính mỗi năm ngành cần 8,7 tỷ mét vải, trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ đạt 3 tỷ. 

Do đó, báo cáo nhận định ngành dệt may cần có hướng đi mở rộng sang các công đoạn thượng nguồn để đạt được giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị. Hai hướng kinh doanh được chỉ ra để tăng giá trị khi tham gia chuỗi giá trị là: doanh nghiệp lớn chủ động quản lý toàn bộ chuỗi giá trị bằng việc từng bước tự cung cấp đầu vào, và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tăng cường liên kết để đẩy mạnh mua nguyên liệu từ các nhà cung cấp trong nước.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Ngoài các vấn đề trên, xanh hóa là con đường giúp các doanh nghiệp dệt may nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo báo cáo phân tích, FTAs mở ra nhiều cơ hội, nhưng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nội địa sẽ gặp phải áp lực cạnh tranh lớn hơn ngay trên sân nhà. Để có một vị trí vững chắc ở thị trường trong nước, và rộng hơn là tham gia sâu vào thị trường quốc tế và tận hưởng các ưu đãi thương mại từ FTAs, không có cách nào khác là doanh nghiệp phải tăng khả năng cạnh tranh.

Hai vấn đề chính cần giải quyết để tiến tới xanh hóa là quản lý nước và hiệu quả năng lượng. Báo cáo đã cho thấy nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các phương pháp xử lý kỹ thuật để sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu hoặc tái chế chất thải để tối thiểu hóa chi phí. Một số phương pháp điển hình được áp dụng là xử lý khí thải thông qua thu gom khí lò hơi, nâng tiêu chuẩn tiêu thụ hợp lý nguyên nhiên liệu, thay đổi kỹ thuật và phương pháp quản lý để giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cho dây chuyền dệt nhuộm. Ngoài ra, xây dựng các nhà máy xanh đạt chuẩn cũng đã được một số doanh nghiệp áp dụng như Deutsche Bekleidungswerke (Long An) hay Đông Phú Cường (Đồng Nai).

Tất cả các hoạt động này đã tạo hiệu quả đánh kể cho doanh nghiệp về đảm bảo các yếu tố môi trường, tăng hiệu quả sản xuất và đạt các chứng nhận xanh cần thiết để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. 

Tiềm năng mở rộng tín dụng xanh

Báo cáo nhận định các hướng đi tới nền công nghiệp dệt may sạch và xanh đều mở ra những cơ hội đầu tư xanh. Theo đó, báo cáo xem xét và đưa ra một số khuyến nghị về các công nghệ sẵn có tốt nhất. Các công nghệ tập trung vào nâng cao hiệu quả tài nguyên, giảm sử dụng hóa chất, và hiệu quả năng lượng. 

Đối với các SMEs, mức độ đầu tư có thể được chia thành ba nhóm. Với các hạng mục đầu tư dưới 100 triệu đồng để cải thiện hệ thống bảo trì và cải tiến đơn giản như lắp đặt biến tần; cách nhiệt bề mặt hoặc cải thiện hệ thống thông gió. Với các hạng mục đầu tư từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng để lắp đặt các thiết bị mới như đèn LED, động cơ servo, thu hồi nước, máy nén khí hiệu suất cao…. Và với hạng mục đầu tư trên 1 tỷ đồng để thay đổi công nghệ như máy nhuộm/giặt công suất thấp hoặc máy nhuộm thu hồi nhiệt thải... 

Nhìn chung, các bộ giải pháp có thể đem lại hiệu quả tiết kiệm đáng kể, với nước đến là từ 23-64% và năng lượng từ 9-68%. 

Tiềm năng tiết kiệm nước (phải) và tiết kiệm năng lượng (trái) của các giải pháp.

Ngoài ra, báo cáo cũng đưa ra một số nghiên cứu điển hình chuyển đổi xanh của các thương hiệu thời trang toàn cầu có nhiều đối tác cung ứng tại Việt Nam như H&M, GAP, PUMA. 

Trong đó, các thay đổi chủ yếu nhằm vào việc sử dụng nguyên vật liệu tái chế như sợi polyester tái chế, nguyên liệu từ bông hữu cơ, bông tái chế hay sáng kiến bông bền vững (BCI). Các thương hiệu cũng sử dụng sản phẩm của nhà cung cấp có các hoạt động sản xuất giảm phát thải CO2, đào tạo nhân sự chuyên sâu về BATs và BEPs (Best Available Techiques, Best Environment Practices - Thực hành kỹ thuật và môi trường tốt nhất), tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững trong sản xuất như hướng dẫn ZDHC… 

Đổi mới thiết kế, xây dựng nhận dạng thương hiệu toàn cầu theo hướng sản phẩm xanh cho thấy hiệu quả về giảm chi phí sản xuất, tăng độ thân thiện của thương hiệu và giảm các rủi ro về các khoản vay ngân hàng cho doanh nghiệp. 

Các mô hình đầu tư xanh phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp

Đáp ứng tính cấp thiết của đầu tư xanh tại Việt Nam, các cơ quan hữu quan và NHNN đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, chính sách tín dụng ưu đãi, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Trên cơ sở này, các tổ chức tín dụng dần quan tâm hơn đến việc xây dựng các chính sách tín dụng xanh đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng thiên niên kỷ. Tính đến cuối năm 2020, khoảng 40 tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng cho các dự án xanh.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nhờ sự nổi lên của các công ty khởi nghiệp Fintech, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng nền tảng hoặc ứng dụng P2P (Peer-to-Peer - Cho vay ngang hàng) để huy động nguồn trong trường hợp khẩn cấp. Thông qua các nền tảng Fintech, người vay có thể kết hợp trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng, chẳng hạn như quỹ, quỹ đầu tư mạo hiểm, cá nhân hoặc ngân hàng tư nhân để thỏa thuận các điều khoản, lãi suất và số tiền tài trợ.

Ví dụ về thủ tục cho thuê tài chính. Nguồn: VILC.

Qua phân tích các hình thức cấp tín dụng, báo cáo chỉ ra một số hình thức phù hợp với doanh nghiệp FDI hơn. Cụ thể là tín dụng loại 1 (cho vay truyền thống từ nguồn vốn của ngân hàng), tín dụng loại 2 (sử dụng nguồn vốn ủy thác cho vay lại theo thỏa thuận với của bên thứ ba), hoặc bảo lãnh/bảo hiểm tín dụng và phát hành trái phiếu. 

Với các SMEs, hình thức cho thuê tài chính, P2P hoặc đầu tư mạo hiểm có nhiều ưu thế hơn. Mặc dù cho thuê tài chính thường có lãi suất cao, nhưng không cần, hoặc đòi ít tài sản đảm bảo và thời gian cấp tín dụng có thể lên tới 10 năm. Các hình thức còn lại được khuyến nghị với SMEs có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu vốn cho hoạt động và R&D. Lý do là các hoạt động này thường chiếm một lượng vốn lớn, từ 80% -90% các khoản vay. 

Theo báo cáo, hiện nay Worldbank và các tổ chức tài chính quốc tế khác đang khuyến nghị NHNN thăm dò nguồn thông qua tự do hóa tài khoản vốn quốc gia đối với các khoản vay nước ngoài, tăng cường quy định cho vay trung dài hạn và gia hạn thời hạn vay lên 3-5 năm. Nếu các khuyến nghị này sớm được thực hiện, doanh nghiệp sẽ có thêm kênh huy động vốn.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy năng lực sản xuất vải khoảng 2 tỷ m2/năm chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu của thị trường trong nước. Chất lượng vải sợi hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ước tính cần có 30 triệu USD, tương đương 700 tỷ đồng, để đầu tư sản xuất vải sợi với công suất 10 triệu m2/năm. 

"Để đạt được mục tiêu đặt ra trong kế hoạch phát triển theo dự thảo Chiến lược phát triển ngành Dệt may đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, tổng nhu cầu vốn đầu tư là khoảng 68.864 tỷ đồng/năm với giả định nhu cầu vốn từ doanh nghiệp Việt Nam chiếm 40% tổng nhu cầu đầu tư và tỷ lệ vốn vay là 70% (30% là vốn tự có). Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2022 - 2026 ước tính 344.318 tỷ đồng, giai đoạn 2022-2030 là 619.772 tỷ đồng. Các khoản đầu tư vào tài sản cố định và đầu tư dài hạn có hiệu quả với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 10.3%." - Trích Báo cáo.

Giang Nguyễn